Theo như dự báo thì đến tối ngày 30/9, cơn bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Nghệ An được dự báo là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão này. Từ ngày 30/9, vùng biển Nghệ An sẽ có gió mạnh cấp 9,10, vùng gần tâm bão mạnh đi cấp 11, 12.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 10. Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB&TKCN tỉnh đã ban hành 3 công điện khẩn chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các công tác đối phó với cơn báo số 10. Đến 16h ngày 28/9, hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã liên lạc được và đang trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tại các hồ chứa trên trên địa bàn nước đã cơ bản đầy và đã tiến hành xả tràn sâu tại các đập Đá Hàn (Nam Đàn), Nghi Công, Khe Làng (Nghi Lộc). Các công ty thủy lợi Nam, Bắc và các địa phương đã chủ động vận hành các cống tiêu quan trọng như Bến Thủy, Nghi Quang, Rào Đừng, Diễn Thành, Diễn Thủy. Các địa phương khẩn thương thu hoạch lúa mùa sớm theo phương châm xanh nhà hơn già đồng…
Công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi các cơ quan ban ngành trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 10. |
Trưởng ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ra công điện hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, ban ngành và các địa phương thực hiện một cách khẩn trương và quyết liệt các nội dung nêu trong công điện khẩn. Các thành viên trong ban PCLB & TKCN trong buổi chiều ngày 29/9 phải trực tiếp xuống các địa phương đã được phân công để đôn đốc, chỉ đạo việc phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 10. Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 8 vừa qua, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tránh tâm lý chủ quan, bảo vệ tính mạng của nhân dân trong mùa mưa lũ.
Các phương tiện thông tin truyền thông cần tuyên truyền kịp thời mức độ nguy hiểm của bão, tránh sự chủ quan, hướng dẫn nhân dân chặt tỉa cây cối, chằng chống lại nhà cửa để hạn chế đến mức thấp nhất khi bão vào. Yêu cầu các địa phương làm tốt các công tác di dân những vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển và vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở theo phương án đã xây dựng; tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, có phương án bảo vệ an toàn cho hệ thống hồ đập, đê điều.
Bão số 10 được dự đoán là rất mạnh, các địa phương ở miền Trung cần đề phòng tránh bão để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. |
Các địa phương cần tổ chức trực ban, theo dõi 24/24 giờ tình hình diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời. Trưởng ban và thành viên Ban PCLB&TKCN tỉnh tiến hành kiểm tra và chỉ đạo các ngành, địa phương được phân công theo dõi thực hiện các biện pháp PCLB với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, nhất là về người.
Tại Hà Tĩnh, các cơ quan ban ngành cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để đón bão số 10. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban nghành, UBND các huyện trong tỉnh phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền, chỉ đạo người dân chuẩn bị đón bão, giảm thiểu các thiệt hại dõ bão lũ gây ra.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 13h trưa nay (29/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày mai (30/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 13h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
UBND tỉnh Nghệ An họp khẩn tìm cách ứng phó với cơn bão số 10. |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.
Tàu thuyền ngư dân được kêu gọi vào bờ tránh bão. |