Bà Phạm Thủy - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Thái Hà Books - kể bà của mình có bộ răng đen bóng. Cho rằng đó là lẽ tự nhiên của người hay ăn trầu nên bà Thủy không tìm cách lý giải. Cho đến một ngày con gái nhỏ hỏi: “Tại sao răng bà lại đen”, bà Thủy trở nên lúng túng. Theo bà Thủy, những lúc con trẻ đặt ra câu hỏi như vậy, rất cần đến kiến thức văn hóa giải thích khoa học, dễ hiểu.
“Nhiều người trẻ và phụ huynh như tôi rất cần đến những kiến thức đó để khi con hỏi, mình có thể trả lời. Đó là cách để con cháu mình tiếp cận văn hóa”, bà Phạm Thủy nói.
Trăn trở của bà Thủy cũng là vấn đề bàn luận chính của tọa đàm “Ngày Tết tìm hiểu về văn hóa Việt” diễn ra sáng 5/2 với hình thức trực tuyến. Đây là một trong nhiều hoạt động của chương trình “Phố sách xuân Nhâm Dần 2022”.
Bộ sách giúp trẻ hiểu về văn hóa Việt. Ảnh: Sách Thái Hà. |
Giải đáp thắc mắc của trẻ về văn hóa Việt
TS Đặng Phương Anh (bút danh Miên Thảo) - tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Văn hóa, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả bộ sách Kể chuyện văn hóa Việt - là một trong những diễn giả của chương trình.
Bà Phương Anh cho biết trong dịp Tết, khi đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, trẻ nhỏ thường quan sát và đặt câu hỏi, như: Tại sao người Việt lại dùng đũa thay vì dao, thìa, nĩa? Tại sao người Việt lại ăn cơm mà không phải bánh mì, gà rán? Tại sao trang phục truyền thống của người Việt là áo dài? Tại sao ngày Tết lại trở về với ông bà cha mẹ, tại sao có phong tục trở về quê hương, thăm viếng họ hàng, nhớ về nguồn cội, thắp hương gia tiên trong ngày Tết?
Thắc mắc là điều tất yếu với trẻ nhỏ. Để lý giải những thắc mắc đó, TS Đặng Phương Anh đã cùng các họa sĩ lên ý tưởng để dẫn dắt bạn đọc nhỏ đi vào tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt qua bộ sách Kể chuyện văn hóa Việt.
Bộ sách gồm ba cuốn. Lời ru của mẹ 1 nói về gốc rễ, cội nguồn định hình văn hóa, con người Việt. Sách biến những kiến thức học thuật có phần khô khan thành điều dễ hiểu, dễ tiếp thu cho trẻ nhỏ.
Người xưa ăn mặc như thế nào? giúp bạn đọc nhỏ tìm hiểu khám phá về trang phục của dân tộc, câu chuyện về nguồn gốc nghề dệt vải, được tìm hiểu về các loại áo, váy, phụ kiện khác nhau, về các phong tục truyền thống như nhuộm răng, vấn tóc của người Việt xưa…
Chuyện ở của người xưa kể câu chuyện về nguồn gốc của những ngôi nhà sàn, nhà nền đất, nhà thuyền, phong tục truyền thống trong quan niệm làm nhà của người xưa.
Văn hóa là chuyện ăn, ở, mặc quanh ta
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thái Hà Books - cho rằng bộ sách dành cho độ tuổi thiếu nhi nhưng người lớn đọc vẫn thấy hay, gợi kỷ niệm ngày xưa.
TS Hùng cho biết ông đã mang 20 bộ sách tặng con, em mình. Bộ sách gợi lại phong tục, chi tiết về ăn, mặc, nhà ở, văn hóa ngày Tết mà nhiều bạn nhỏ hôm nay không biết.
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến sáng 5/2. |
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, bộ sách cần được xuất bản bằng tiếng Anh, với hình ảnh câu chuyện đơn giản sẽ giúp người phương Tây tiếp cận, hiểu hơn về văn hóa Việt.
Bà Phạm Thủy đồng tình: “Tôi tin rằng nếu cuốn sách này được dịch ra tiếng Anh, bộ sách sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt. Phần chữ không nhiều, phần hình ảnh và thông tin cần ghi nhớ được tách ra bằng màu khác dễ phân biệt, tiếp nhận”.
Theo bà Thủy, bộ sách này dành cho mọi người, nội dung được thể hiện bằng những hình thức khác nhau, đơn giản, nhẹ nhàng, dễ ghi nhớ.
Đó cũng là chủ trương của nhóm tác giả khi thực hiện bộ sách. TS Đặng Phương Anh nói kiến thức văn hóa đã được nghiên cứu, tìm hiểu kỳ công, thể hiện qua những công trình nghiên cứu dầy dặn. Các bộ sách ấy mang lại tri thức để ta hiểu ta là ai, chúng ta như thế nào, khác biệt ra sao so với các quốc gia, dân tộc khác quanh mình.
TS Đặng Phương Anh cùng các họa sĩ chủ trương đưa kiến thức mang tính hàn lâm, học thuật đó đi vào đời sống, bồi đắp được tri thức từ thế hệ mầm non, để bạn nhỏ được nuôi dưỡng tình yêu, tự hào về môi trường văn hóa đã nuôi mình lớn khôn.
“Những vấn đề đặt ra không xa lạ; bạn đọc hiểu văn hóa, truyền thống một quốc gia chính là hiểu về những gì chúng ta trải nghiệm hàng ngày, đó là câu chuyện ăn, ở, mặc ở xung quanh chúng ta”, TS Đặng Phương Anh nói.
Nói về đặc trưng văn hóa, TS Đặng Phương Anh nói người Việt cho rằng cái đẹp không phải là những thứ hiển lộ ra bên ngoài, mà tiềm ẩn bên trong là cái duyên. Trong gặp gỡ, giao tiếp, việc tạo ra thiện cảm với người đối diện, tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau được làm nên từ cái duyên của mỗi người. Cái duyên đó được làm nên từ sự gọn ghẽ, chăm chút từ cái răng, cái tóc chứ không phải sự trang hoàng ra bên ngoài.
Theo bà Phạm Thủy, người Việt luôn chú trọng từ cách đi đứng, ăn nói đến trang phục một cách kỹ lưỡng và tinh tế. Người xưa quan niệm làm người phải học từ những thứ tưởng đơn giản như “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Trong việc giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, tất cả đều phải học một cách cẩn thận và được rèn giũa. Bởi vậy những cuốn sách viết đơn giản, dễ hiểu giúp trẻ học hỏi, tiếp cận văn hóa truyền thống.