Cuốn sách kể về câu chuyện của cô người yêu theo chân bạn trai đi xem bóng đá, nhất quyết “Sao lại có đá phạt mười một mét, sao không lấy mười mét rồi muốn nhân chia gì cũng dễ?”, "Tại sao sân bóng không thành hình tròn"... Đó là sự tích vì sao nên xây nhà có hai cầu thang và hòn non bộ bên trong mà tác giả kể lại từ câu chuyện có thật tại cơ quan. Thỉnh thoảng tác giả còn hóm hỉnh đan cài chuyện mình mang chất giọng Nghệ có mơ ước lấy vợ Hà Nội để lúc cãi nhau “cho nó êm ấm cửa nhà”.
Ảnh bìa cuốn sách "Ngày dài hơn 24 giờ". |
Đọc Ngày dài hơn 24 giờ, ai cũng có thể cười phá lên vì những chi tiết thú vị, nhưng rồi cũng lại ngậm ngùi về bao sự đời sau đó. Sự bất công của cái máy quẹt thẻ chỉ mách lẻo thời gian đi làm muộn, chứ đi sớm thì coi như công cốc. Nỗi niềm của các ông chồng có bà vợ xin tiền đi phẫu thuật thẩm mỹ. Hay lắng đọng trước cuộc ghé thăm người phụ nữ Đức hết lòng vì Việt Nam một thời: bà Sybille Weber. Và buồn vô hạn khi hình ảnh miền Trung oằn mình trong mưa bão với “Ông trời đừng bão nữa được không?”…
Ai đó có thể cay mắt với câu chuyện của người cha già hành nghề bốc thuốc ở Sa Pa, cơm no rượu say sau phiên chợ mà vẫn không quên mua mấy quả trứng gà luộc làm quà cho con cháu. Rồi lại bật cười nghiêng ngả khi được hướng dẫn cách “Khen phụ nữ nấu ăn”. Bóng đá, chuyện đời, chuyện người rồi vòng về tình yêu. “Khi chưa có vợ, đàn ông lo lắng cho sự nghiệp và ít lo cho mình. Khi đã có vợ, đàn ông lo lắng cho sự nghiệp và lo cho gia đình mình”. Tác giả không triết lý, giáo điều, nhưng câu chuyện về cách đối nhân xử thế trong hôn nhân, yêu đương và gia đình chỉ gói lại gọn lỏn: Hiện tại có thể thay đổi, tương lai có thể thay đổi, nhưng quá khứ thì không đổi.
Nếu ví mỗi cuốn sách là một bữa ăn, thì hẳn Ngày dài hơn 24 giờ sẽ là bữa tiệc buffet đầy ấn tượng.