Các nhà mạng đều chia sẻ có sự tăng đột biến về số lượng khách giao dịch nạp thẻ. Một số nguồn tin còn khẳng định doanh thu nạp thẻ từ tất cả kênh phân phối ngày 28/2 đều tăng 100-400% so với các dịp khuyến mại khác.
Nạp hàng triệu đồng tiền cước tích trữ xài dần
Anh Văn Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ một thuê bao MobiFone, bắt đầu ngày làm việc 28/2 bằng việc nạp 2 triệu đồng tiền điện thoại. Anh chia sẻ lý do nạp số tiền lớn này không chỉ vì là hôm nay nhà mạng có khuyến mãi nạp thẻ, mà bởi đây là ngày cuối cùng các nhà mạng được đưa ra mức khuyến mãi 50% cho những thuê bao trả trước như anh đang dùng.
Những trường hợp như anh Khoa rất phổ biến trong ngày 28/2.
Theo nguồn tin tại các nhà mạng chia sẻ với Zing.vn, doanh thu nạp thẻ từ mọi kênh phân phối ngày 28/2 đều tăng 100-400% so với các dịp khuyến mại khác.
Theo nhiều đại lý SIM thẻ chia sẻ trong sáng 28/2, doanh số bán thẻ nạp đã tăng gấp 4-5 lần so với những ngày khuyến mại khác. Ảnh: Ngô Minh. |
Với những người dùng thuê bao trả trước như anh Khoa, việc nạp số tiền điện thoại lớn trong ngày 28/2 xem như "tích trữ dùng lâu dài và tranh thủ nốt lần cuối cùng được hưởng khuyến mãi 50%".
"Đằng nào cũng dùng nên coi như mình mua gói cước dài hạn để hưởng khuyến mại, vì từ 1/3 chỉ còn mức tăng thêm 20%, chẳng thấm vào đâu", anh Khoa chia sẻ.
Giống như anh Khoa, chị T. Thủy (Nam Định) cho hay do tính chất công việc phải gọi điện thoại nhiều nên chị thường "canh" nạp tiền vào ngày nhà mạng có chương trình khuyến mại 50%, để tiết kiệm chi phí.
Tin nhắn "nhắc" người dùng về ngày khuyến mại 50% cuối cùng của nhà mạng. Ảnh: Ngô Minh. |
"Hôm nay mình đã nạp 3 triệu đồng tiền cước và đang cân nhắc nạp tiếp. Có thể sau đó mình cũng chuyển sang dùng thuê bao trả sau để hưởng khuyến mại 50%. Mức khuyến mại 20% mình thấy không đáng kể", chị Thủy nói.
Trên các diễn đàn về viễn thông, nhiều thành viên cũng chia sẻ đã nạp số tiền điện thoại di động khá lớn, mức 1-5 triệu đồng, để sử dụng trong ngắn hạn. Về dài hạn, nhiều chủ thuê bao trả trước đều đồng tình cách chuyển sang hình thức trả sau để tiếp tục nhận khuyến mại.
"Dùng trả sau khá bất tiện hơn so với trả trước, nhưng để tiết kiệm chi phí có lẽ sang tháng mình cũng phải chuyểnđổi", thành viên Ngọc T. của một diễn đàn lớn về viễn thông nhận định.
Nghẽn mạng, định nạp 500.000 đồng, chi tới 1.500.000 đồng
Sáng 28/2, trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng còn khẳng định đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi nạp thẻ, đặc biệt là qua kênh thanh toán ngân hàng trực tuyến.
Chủ tài khoản Trịnh N. cho hay do nghẽn mạng nên chị đã nạp nhầm, thực hiện tới 3 giao dịch, dù chỉ muốn nạp 500.000 đồng, số tiền chị nạp đã lên tới 1,5 triệu đồng.
Rất nhiều thành viên các diễn đàn công nghệ lớn chia sẻ về khoản tiền nạp điện thoại "khủng" trong lần khuyến mại 50% cuối cùng cho thuê bao trả trước. Ảnh: Facebook "Nguyen A** C****". |
Theo khảo sát của Zing.vn trong chiều 28/2, ngoài những điểm bán SIM thẻ nổi tiếng như trên phố Kim Mã hay Giải Phóng đông khách đột biến, các điểm bán lẻ khác chỉ ghi nhận tăng nhẹ về lượng khách. Tình trạng nghẽn mạng tại các kênh nạp tiền điện thoại qua ngân hàng trực tuyến cũng đã cải thiện, giao dịch nạp tiền thực hiện nhanh và chính xác hơn buổi sáng.
Trong khi đó, đại diện Vinaphone cho biết nhà mạng đã chuẩn bị cho việc áp dụng quy định khuyến mãi mới không quá 20% giá trị thẻ nạp từ rất sớm, với nhiều ngày vàng khuyến mãi trong 2 tháng gần đây, nên biến động không quá lớn.
Đại diện nhà mạng này cũng cho biết sẽ có nhiều hình thức mới thay thế để ưu đãi cho khách hàng, một trong số đó là tặng data cho khách nạp tiền vào các thứ 6.
Nhà mạng Viettel thì thông tin đang có sự thay đổi trong lựa chọn hình thức nạp thẻ của người dùng, từ thẻ vật lý sang các ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Siết khuyến mại để bớt SIM rác
Theo Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TTTT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, từ 1/3, các thuê bao di động trả trước chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.
Bộ khẳng định Thông tư 47 được ban hành trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội cũng như để đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Nhiều năm trở lại đây, loại hình thuê bao trả trước đã nhận được nhiều ưu đãi từ nhà mạng, dẫn tới phát sinh tình trạng SIM rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Ngược lại, các thuê bao trả sau lại "chịu nhiều thua thiệt", dù điều kiện ràng buộc phức tạp hơn và sử dụng trong thời gian dài.