Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Ngày của Mẹ là để biểu tình, không phải tặng hoa'

Ngày của Mẹ vốn là ngày biểu tình ở Mỹ, khi phụ nữ đòi quyền lợi cho họ và con cái. Ngày nay, lễ kỷ niệm này bị thương mại hóa.

Ngay cua Me anh 1

"Cách đây vài ngày, khi còn gần một tuần nữa là đến Ngày của Mẹ, những chồi nụ bắt đầu hé nở trên cây hoa hồng mẹ chiết cho tôi từ vườn nhà bà ngoại.

Và như mọi năm, chúng sẽ khoe sắc thật rực rỡ vào đúng Ngày của Mẹ, ngày 9/5.

Chồng tôi sẽ là người nấu bữa sáng muộn. Đàn con của tôi, giờ đã trưởng thành, sẽ đưa bố chồng 92 tuổi của tôi ghé chơi. Ông vốn là người thích sum họp gia đình và hơn ai hết, ông luôn mong ngóng những dịp như vậy.

Tất cả chúng tôi hiện đã được tiêm phòng Covid-19, nhưng cảm giác phải xa cách nhau sẽ không thể một sớm một chiều nguôi ngoai đi được", tác giả Margaret Renkl viết trên New York Times.

Theo bà, Ngày của Mẹ là một kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa", một câu chuyện cổ tích ngọt ngào được lưu truyền tại một quốc gia hầu như không hỗ trợ các bà mẹ được nhiều.

Nhưng đây cũng là ngày để suy ngẫm về cách mà chúng ta kết nối với nhau, qua những lúc vui vẻ và mỗi khi đau buồn, vượt qua rào cản thời gian, không gian và cả giống loài.

Ngay cua Me anh 2

Một gia đình ở Los Angeles lần đầu đến thăm bà Beatrice Botiz, 82 tuổi, ở viện dưỡng lão Alexandria hôm 25/4. Đây là lần đầu tiên gia đình được đến thăm bà kể từ khi phong tỏa vì Covid-19, nhưng họ chỉ được đứng ngoài. Ảnh: New York Times.

Một ngày lễ bị thương mại hóa

Đối với bà Renkl, Ngày của Mẹ luôn mang đến một nỗi buồn man mác, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Bà nội bà qua đời trước khi bà được sinh ra, lúc ấy bố bà mới 24 tuổi.

Ông luôn cố gắng nấu bữa sáng muộn vào Ngày của Mẹ, biến đây trở thành món quà đặc biệt dành cho mẹ bà, bà ngoại và cả cụ ngoại của Renkl. Và ông cũng không thôi xót thương mẹ ruột của mình.

Thật đau xót cho những ai đã mất mẹ và cả những người mẹ không có khả năng nuôi con. Thật đau xót cho những người phụ nữ khao khát được làm mẹ nhưng không thể, và cả những phụ nữ không muốn làm mẹ nhưng lại thường xuyên bị phỉ báng vì đưa ra lựa chọn hoàn toàn hợp lý đó. Cũng thật đau xót cho những phụ nữ đã mất đi đứa con của mình, Renkl viết.

"Gia đình và bạn bè tôi đều có những người phải buồn lòng vì những lý do như vậy. Khi tưởng tượng về việc sẽ rất nhớ mẹ vào ngày này, tôi cũng thường nghĩ đến họ.

Thế giới này đã đủ đau khổ rồi, và có lẽ chẳng cần thêm một ngày lễ gợi lên quá nhiều buồn đau như thế. Nếu có thể, tôi sẵn lòng xóa đi ngày này khỏi tờ lịch", bà Renkl viết.

Thế nhưng, trái với những lời chúc và bông hoa, hơn năm mươi năm trước, Ngày của Mẹ là ngày biểu tình.

Ở thủ đô Washington, D.C. và trên khắp nước Mỹ, phụ nữ xuống đường đòi "Quyền lợi chứ không phải hoa hồng!".

Hai năm sau, các cuộc biểu tình lại nổ ra vào Ngày của Mẹ năm 1971. Các nhà hoạt động nữ quyền tuần hành trước Nhà Trắng để yêu cầu các nhà lãnh đạo đất nước có chế độ phúc lợi toàn diện cho trẻ em.

Đẩy xe nôi ra đường, các bà mẹ và cả trẻ em cùng nhau hát vang: "Trao quyền cho các bà mẹ! Trao quyền cho trẻ em!".

Ngay cua Me anh 3

Các bà mẹ biểu tình phản đối chiến tranh ở Mỹ. Ảnh: Getty.

Nhưng giờ đây, Ngày của Mẹ đang ngày càng mang tính thương mại và không liên quan đến ý nghĩa thực sự của nó. Để kỷ niệm ngày này, người ta thường mua hoa, quà và đi ăn ở những nhà hàng đắt đỏ.

Đối với nhiều người, đây là ngày thể hiện sự sám hối. Nếu cảm thấy vẫn chưa thể hiện đủ tình yêu với mẹ ư? Cứ chi nhiều tiền hơn để bày tỏ tấm lòng.

Theo truyền thống lâu đời, Ngày của Mẹ là ngày biểu tình. Tuyên ngôn Ngày của Mẹ đầu tiên vào năm 1870 kêu gọi các bà mẹ chiến đấu để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh là hậu quả của nội chiến Mỹ.

Kể từ đó, các bà mẹ và trẻ em đã biến Ngày của Mẹ trở thành ngày biểu tình.

Năm 2000, khoảng 750.000 người đến Washington tham gia Cuộc biểu tình Triệu Bà mẹ để yêu cầu chính phủ kiểm soát sử dụng súng.

Năm 2018, hơn 10 người biểu tình thiệt mạng ở Nicaragua khi nhóm "Mothers of April" đổ xuống đường phản đối chính phủ.

Năm 2019, tại London và các nơi khác trên khắp châu Âu, nhóm "Mothers Rise Up!" tổ chức cuộc biểu tình của các bà mẹ chống biến đổi khí hậu, nhằm đòi quyền lợi cho con cái họ.

Để Ngày của Mẹ thực sự ý nghĩa

Tại Mỹ, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để xuống đường đòi công lý cho các bà mẹ, và cũng là cho mọi người.

Thực tế là các bà mẹ ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử có hệ thống. Bổn phận làm mẹ khiến bất bình đẳng giới ngày càng trầm trọng. Các bà mẹ dễ rơi vào cảnh bị bạo lực gia đình và bạo lực do bạn tình gây ra.

Mức lương rẻ mạt cho người giúp việc và vú em khiến chúng ta lầm tưởng về tình yêu thương cũng như sự chăm sóc của các bà mẹ.

Đằng sau những tuyên bố hùng hồn về lòng tận tâm của họ là sự coi nhẹ nỗi vất vả, về cả thể chất và tinh thần, của việc làm mẹ.

Ví dụ, trong báo cáo việc làm tháng 4 của nước Mỹ, dù tổng số việc làm có tăng, lao động nữ lại mất đi 8.000 việc làm. Theo Robert Frick, chuyên gia kinh tế từ Liên đoàn Tín dụng hải quân liên bang, giải thích rõ ràng cho hiện tượng này là trách nhiệm chăm sóc trẻ em đang đè nặng lên phụ nữ.

"Các nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học vẫn đóng cửa, vì thế rất nhiều phụ nữ buộc phải ở nhà", ông Frick nhận xét.

Vì vậy, vào Ngày của Mẹ năm nay, có lẽ mỗi người cần làm một điều gì đó khác.

Trong bài viết - từ năm 2019 - trên tờ New York Daily News, tác giả Kirsten Swinth đề xuất một số giải pháp để Ngày của Mẹ có ý nghĩa thực tiễn hơn.

Mỗi thành viên trong gia đình nên được "nghỉ phép có lương", và công việc nhà nên được chia đều cho mọi người, kể cả đàn ông và phụ nữ.

Các doanh nghiệp nên thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại hành vi phân biệt đối xử với nhân viên đang mang thai.

Ngay cua Me anh 4

Các bà mẹ trong thời kỳ cho con bú có thể phải chịu đựng hành vi quấy rối nơi công sở. Ảnh: New York Times.

Thử hỏi đã có bao nhiêu bà mẹ trong thời kỳ cho con bú phải chịu đựng những lời bình luận thô thiển từ đồng nghiệp? Mọi người nên nhận thức được rằng trong mọi môi trường làm việc, các bà mẹ cũng có thể trở thành nạn nhân bị quấy rối, và do đó cần có chính sách bảo vệ.

Tiếp theo là tiền lương để làm việc nhà, cũng như cho việc chăm sóc gia đình. Đối với những người giúp việc đi làm thuê, hơn 90% không kiếm đủ tiền để nuôi bản thân, chưa nói đến con cái của họ.

Đối với những người dành cả cuộc đời để chăm sóc con cái và gia đình mà không được trả lương, thu nhập cơ bản và trợ cấp gia đình theo quy định của chính phủ các nước châu Âu có thể ở mức rất thấp. Và do vậy, cần khuyến khích công đoàn đại diện đòi quyền lợi cho họ.

Cuối cùng, cần trao cơ hội cho phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Hơn 50 năm qua, các bà mẹ dần thay đổi cuộc sống của họ. Phụ nữ đang dành nhiều thời gian đi làm hơn trong khi vẫn cố cân bằng với thời gian cho gia đình. Nhưng trong nhiều trường hợp, đàn ông không cùng chia sẻ gánh nặng này.

Trong các hộ gia đình có con đi học, mỗi năm phụ nữ dành nhiều hơn 10 ngày so với nam giới cho việc chăm sóc con cái.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khi nam giới dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, điều này có lợi cho con cái, cho bầu không khí bình đẳng trong gia đình và cho cả chính họ.

Người đưa những chú chim non đến với thế giới

Cách đây 20 năm, đứa con út của bà Renkl vẫn còn là một đứa trẻ sơ sinh.

"Và giờ đây khi nhìn thấy một đứa trẻ đang khóc ở hàng người chờ thanh toán, tôi đã phải ngăn mình chạm vào bé.

Trong lòng tôi trào lên cảm giác thôi thúc phải bảo vệ những con non trong tổ của mình, giống như cách những người mẹ ngoài kia đang làm. Cùng với nhau, chúng tôi đưa những chú chim non xanh ấy đến với thế giới, dù có vẻ bà mẹ đó không nghĩ nhiều đến vậy", tác giả này viết.

Chứng kiến nỗi đau của người khác, bà cảm thấy được an ủi khi nhận ra rằng mình không đơn độc, và rằng nó không của riêng ai.

Ngay cua Me anh 5

Julia Roberts (trái) và Jennifer Aniston trong phim "Ngày của Mẹ" do Garry Marshall đạo diễn. Ảnh: Open Road Films.

Bà nghĩ đến cuốn hồi ký thú vị của Rosamund Young có tên "Cuộc sống bí mật của những con bò”. Câu chuyện của cô ấy kể về người mẹ trẻ đau buồn vì thai chết lưu, nên đã đến tìm kiếm sự an ủi từ chính mẹ mình, người ở cách đó ba cánh đồng.

Bà cũng nghĩ về câu chuyện cá voi mẹ mang theo xác đứa con trong 17 ngày, vượt hàng nghìn dặm đại dương, vì không nỡ xa con.

"Tuần này, tôi sẽ viết thư cho một người bạn đã mất đứa con duy nhất vì đại dịch Covid-19. Tôi cũng sẽ viết thư cho hai người bạn khác đã mất mẹ.

Đối với họ, ngày lễ này sẽ rất kinh khủng. Tôi cũng không quá kỳ vọng những dòng này của tôi có thể giúp họ nguôi ngoai phần nào. Tôi chỉ mong có thể khiến họ hiểu rằng tôi vẫn cùng họ đồng hành qua những dặm dài trên đường đời.

Còn tại tổ ấm của mình, các con của tôi sẽ đến ăn bữa sáng muộn. Và tôi, như một con chim mẹ, sẽ dọn ra bữa ăn thịnh soạn cho đàn con non.

Tôi sẽ cắt một bó hoa hồng và nghĩ về mẹ, về bà ngoại và bà nội - người mà tôi chưa từng gặp mặt", bà Renkl chia sẻ.

Bức ảnh mẹ chở thi thể con trên xe ba bánh gây chú ý ở Ấn Độ

Bức ảnh bà Chandrakala Singh chở thi thể con trai trên xe ba bánh đã khiến mạng xã hội Ấn Độ dậy sóng. Người con trai chết sau khi bị hết bệnh viện này tới bệnh viện khác từ chối.

Bà mẹ 6 con bị bắn chết khi ngồi trong ôtô ở Mỹ

Các quan chức Mỹ hôm 25/3 cho biết một bà mẹ 6 con đã bị bắn chết trong xe ở bang North Carolina. Nạn nhân vốn đang cùng chồng đi du lịch kỷ niệm ngày cưới.

'Got chan Achilles' cua ba Harris hinh anh

'Gót chân Achilles' của bà Harris

0

Kinh nghiệm làm công tố viên của bà Kamala Harris giờ đây lại trở thành "điểm gợn" trong cách tiếp cận báo giới, khiến ứng viên đảng Dân chủ gặp khó trong cuộc tranh cử tổng thống.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm