Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày càng nhiều người mắc hội chứng rối loạn giọng nói

Bệnh nhân thường rơi vào tình trạng chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Đức, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết rối loạn giọng nói là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói về cường độ, cao độ âm sắc. Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính. Tỷ lệ gặp ở người lớn là 4,8-29,1%, trẻ em chiếm 1,4-6%.

Những năm gần đây, tình trạng này tăng ở những người sử dụng giọng nói nhiều do tính chất công việc như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng,...

Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói có thể do tổn thương thực thể hoặc rối loạn chức năng đường phát âm.

Các tổn thương thực thể gồm:

- Tổn thương não (xuất huyết não, khối u).

- Viêm nhiễm ở tai mũi họng (virus, vi khuẩn, lao, nấm,…).

- Tổn thương lành tính thanh quản (polyp, hạt xơ, u nang, phù reinke, u nhú,…).

- Tổn thương tiền ung thư (bạch sản, dị sản), khối u ác tính thanh quản.

- Liệt dây thanh (một hoặc 2 bên dây thanh).

Gia tang hoi chung roi loan giong noi anh 1

Các tổn thương tại thanh quản gây rối loạn giọng nói. Ảnh: Clinical Laryngology.

Với rối loạn giọng chức năng, đường phát âm không tổn thương nhưng giọng nói bị thay đổi do các yếu tố như tâm lý căng thẳng, stress, tăng trương lực cơ vùng cổ.

Bệnh nhân rối loạn giọng nói thường có các triệu chứng sau:

- Chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.

- Giọng trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng vốn có trước đây.

- Giọng nói khàn đặc, căng nghẹt, kèm theo hơi thở trong lời nói.

Theo bác sĩ Đức, rối loạn giọng nói gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, kinh tế, cản trở người bệnh hòa nhập với xã hội. Nhiều người đã phải từ bỏ công việc do tình trạng rối loạn giọng nói kéo dài.

Với trẻ nhỏ, giọng nói bất thường khiến bé không dám nói, sợ bị chê cười, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý và khả năng học tập.

Khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa tai, mũi, họng, không tự điều trị. Việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị không phù hợp có thể khiến tình trạng thêm nặng, gây khó khăn cho việc chữa bệnh sau này.

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi bệnh để đánh giá triệu chứng về rối loạn giọng nói như sau:

- Nói mệt, hụt hơi, gắng sức để nói, thay đổi tính chất giọng nói (khàn, căng nghẹt…).

- Khó thở, nuốt sặc, nuốt nghẹn, yếu tay chân.

- Mắc bệnh nội ngoại khoa (chấn thương sọ não, phẫu thuật vùng cổ ngực, tiểu đường, tăng huyết áp…).

Sau đó, bác sĩ khám tai, mũi, họng, thanh quản để loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn giọng nói do nghe kém làm người bệnh phải nói to, viêm nhiễm mũi họng, tổn thương cấu trúc, thần kinh đường phát âm.

Người bệnh được thăm dò chuyên sâu để chẩn đoán nguyên nhân, mức độ rối loạn giọng nói cũng như đáp ứng với điều trị.

Dựa theo nguyên nhân, mức độ rối loạn giọng nói thầy thuốc sẽ đưa ra phương pháp điều trị với từng bệnh nhân cụ thể gồm: Điều trị nội khoa, luyện giọng; điều trị can thiệp (vi phẫu thanh quản, tiêm steroid dây thanh, phẫu thuật cắt dây thanh).

Tiến sĩ Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, khuyên người bệnh cần đi khám khi phát hiện giọng nói bị thay đổi. Chẩn đoán đúng, điều trị sớm giúp khả năng phục hồi giọng nói cao.

Trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khỏe mạnh, bệnh nhân cần uống nhiều nước, chế độ ăn ngủ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), thói quen dễ gây tổn thương thanh quản (la hét, hắng giọng, nói trong môi trường ồn).

Nguyên nhân gây ho có đờm hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người vẫn bị ho dai dẳng, thậm chí có đờm, kèm theo triệu chứng thở khò khè, khó chịu.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm