Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày buồn vĩnh biệt bác Bảy và anh Tư

Ngày 29/6 là một ngày thật buồn của làng âm nhạc Việt Nam. GS.TS Trần Văn Khê về nơi vĩnh hằng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân cùng qua đời.

Sáng sớm, những người yêu nhạc tiễn GS.TS Trần Văn Khê về nơi vĩnh hằng. Lúc 10h15, tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời. Rồi chỉ hơn một giờ sau, đến tin nhạc sĩ Phan Nhân qua đời tại nhà riêng.

Quả là những tin không muốn tin, dù ai cũng hiểu các “lão nhạc sĩ” này đều qua tuổi cổ lai hy từ lâu.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, gốc Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bước vào làng âm nhạc với ca khúc Trầu cau ở tuổi 17 và bước vào làng âm nhạc cách mạng với ca khúc lừng lẫy một thời là Đoàn giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ ra đời vào những năm 1940-1945.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Quang Định.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về sống ở TP HCM và viết khá nhiều tình khúc. Những khúc tình ca của ông thu hút thanh niên một thời như Thuyền và biển, Bóng cây kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thơ tình cuối mùa thu, Ở hai đầu nỗi nhớ... Nhạc của ông dìu dặt, nhẹ nhàng đưa người nghe vào một cõi tình yêu lãng mạn nhưng trong sáng, không gợn chút bi lụy.

Ở tuổi 80, ông thường đi lại bằng chiếc Honda đời 80 cũ mèm. Khi đến sân Hội Âm nhạc thành phố, anh em thường nhắc vui: “Nè, cấm bác Bảy không được đi Honda nữa nhen! Ông mà đi bằng Honda thì công an phạt đó!”. Ông cười hở nguyên hàm răng: “Coi vậy chớ trái tim đâu có già!”.

Còn nhạc sĩ Phan Nhân (sinh năm 1930) người An Giang. Mê âm nhạc từ nhỏ, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Khi tham gia kháng chiến thì ông bắt đầu viết. Nhưng có lẽ những ca khúc nổi tiếng một thời của ông lại là những ca khúc thiếu nhi như Vườn cây của ba, Chú ếch con (ca khúc này đã được đưa ra nước ngoài thu âm, dự thi và được đánh giá cao qua giọng hát của em Lê Nguyễn Hương Trà).

Nhạc sĩ Phan Nhân. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Và ca khúc “để đời” của ông là Hà Nội niềm tin hi vọng, một trong những ca khúc hay của người miền Nam viết về Hà Nội.

Ông cũng có những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ như Tình bạn già, Thành phố của tôi (viết về TP HCM), Em ở nơi đâu...

Cuối đời, Phan Nhân được các bạn yêu nhạc trẻ biết nhiều với cái danh “nhiếp nhạc”, vừa là nhạc sĩ vừa chụp hình - nhiếp ảnh. Cái tên này hình như do nhạc sĩ Ca Lê Thuần tặng.

Phan Nhân cầm máy ảnh xịn chụp đủ thứ ông thích. Khi thì một em bé bán vé số, khi thì một người bạn đang “tám”. Gặp ông lần đầu, nhiều người cứ tưởng ông là một nhiếp ảnh gia. Mà hình ông chụp cũng khá có nét.

Ông “chơi” một chiếc môtô Rebel 150 phân khối rất láng và chạy như một chàng thanh niên thứ thiệt, dù đầu đã bạc trắng. Mấy năm gần đây, sức khỏe ngày càng yếu, người ta không thấy ông già cao bồi với chiếc môtô nữa.

Và Phan Nhân cũng để râu, tóc dài bạc trắng như một ông tiên trong truyện cổ tích. “Bạn đời” của ông là nhạc sĩ Hồ Bông. Hai ông gặp nhau là đòi đánh nhau để rồi ôm nhau kể lại chuyện nguyên phong!

Còn bạn đời chính hiệu của ông là nghệ sĩ, diễn viên Phi Điểu, người càng già càng xuất hiện nhiều trên phim ảnh, thì ưu tiên chăm sóc ông, dù chạy sô ở đâu cũng phải về nhà.

Cùng một lúc, hai ông dường như "rủ nhau ra đi" để lại cho gia đình, những người quen biết và công chúng niềm tiếc thương vô hạn.

Xin vĩnh biệt bác Bảy (Phan Huỳnh Điểu) và anh Tư (Phan Nhân).

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150629/ngay-buon-vinh-biet-bac-bay-va-anh-tu/768861.html

Theo Trần Nhật Vy/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm