Dữ liệu mới hôm 30/4 cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh: Số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đến vượt mốc 30 triệu, trong khi các nền kinh tế châu Âu lao dốc mạnh mẽ.
Những con số mới được tiết lộ có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực lên các chính trị gia trong việc nới lỏng phong tỏa để các nhà máy và cơ sở kinh doanh có thể hoạt động trở lại, theo South China Morning Post.
Tại Mỹ, chính phủ báo cáo 3,8 triệu người lao động mất việc làm đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua, nâng tổng số lên thành hơn 30 triệu, tính trong 6 tuần từ khi dịch bệnh diễn ra. Con số này đồng nghĩa cứ 6 người lao động tại Mỹ sẽ có một người mất việc, nhiều hơn dân số bang Texas.
Tổng số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong 6 tuần từ khi dịch bệnh bùng phát đã lên đến hơn 30 triệu. Ảnh: Reuters. |
Một số nhà kinh tế nói tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 4 được công bố vào tuần tới có thể lên đến 20% - con số chưa từng xuất hiện kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930, khi tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục 25%.
Số người Mỹ mất việc trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều con số được công bố, vì một số người không đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và một số khác chưa thể làm hồ sơ do hệ thống đang bị quá tải tại bang của họ.
Một cuộc thăm dò do 2 nhà kinh tế thực hiện cho thấy Mỹ có thể đã mất 34 triệu việc làm.
Tình hình tại châu Âu cũng ảm đạm không kém, khi hơn 130.000 người đã tử vong vì virus. Nền kinh tế tại 19 nước thuộc khối đồng tiền chung euro đã giảm 3,8% trong quý đầu năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi khối này bắt đầu thống kê số liệu chung năm 1995.
"Đây là ngày buồn nhất mà chúng ta từng chứng kiến đối với nền kinh tế toàn cầu" trong hơn 50 năm mà các nhà kinh tế học tại High Frequency Economics theo dõi số liệu, theo một báo cáo của họ.
Virus corona đã làm thiệt mạng hơn 220.000 người trên toàn cầu, trong đó hơn 61.000 người tại Mỹ, theo thống kê của Đại học John Hopkins. Số ca nhiễm toàn cầu đã lên đến hơn 3,2 triệu.