Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày bận rộn của Thủ tướng Nga ở Hà Nội

"Mục tiêu của LB Nga là đột phá quan hệ kinh tế với các đối tác châu Á, trong đó có Việt Nam", Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại LB Nga nói.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng LB Nga Dimitri Medvedev, sáng 6/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì lễ đón chính thức người đồng cấp và có cuộc hội đàm song phương. Hai bên sẽ ký các văn kiện hợp tác mới sau cuộc hội đàm.

Ngoài các văn kiện hợp tác giữa Chính phủ hai nước, chiều cùng ngày, hai bên cũng sẽ ký một biên bản hợp tác giai đoạn 2015-2017 giữa đảng Nước Nga thống nhất và đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngoài cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Medvedev sẽ có một ngày bận rộn với các gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam trước khi đến TP HCM vào tối 6/4.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Medvedev.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại LB Nga Denis Manturov là thành viên đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Thủ tướng Medvedev thăm Việt Nam. Ông trao đổi với báo chí về khả năng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. 

Chuyển hướng châu Á -Thái Bình Dương

- Thưa Bộ trưởng, các lệnh trừng phạt của phương Tây có tác động như thế nào tới quyết định của Nga về mở rộng quan hệ với các đối tác tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là với Việt Nam?

- Các lệnh trừng phạt này tạo động lực để Nga tái định hình dòng nhập khẩu, chuyển hướng nhập khẩu từ các quốc gia tại khu vực Mỹ La Tinh, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương. 

Chúng tôi kiên quyết theo đuổi lợi ích quốc gia. Hơn nữa, chúng tôi sẽ tận dụng hiệu quả các cơ hội mới để hỗ trợ các mối quan hệ thân thiện với các đối tác tin cậy không chỉ trên bình diện chính trị toàn cầu và kết nối văn hóa, mà còn trong lĩnh vực kinh tế.

Từ năm 1996, Nga đã đối tác trong đối thoại với ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Trong giai đoạn này, một khuôn khổ pháp lý quan trọng đã được hình thành trên cơ sở giao lưu văn hóa, chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, hợp tác kinh tế và phát triển.

Thủ tướng Medvedev trong chuyến thăm chính thức VN hồi năm 2012. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Medvedev trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi năm 2012. Ảnh: Reuters.

Mục tiêu của các nhà lãnh đạo Nga là nhằm tạo bước đột phá trong quan hệ với các đối tác Châu Á, bao gồm Việt Nam, cả về giao lưu nhà nước và giao lưu kinh tế. 

Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) đã được Việt Nam và các bên liên quan bắt đầu đàm phán từ tháng 3/2013, có thể trở thành một động lực để tăng cường phạm vi cũng như khối lượng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Nga và Việt Nam.

Cơ hội cho dệt may, nông nghiệp Việt Nam

- Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ mang lại lợi ích gì cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga?

- Thỏa thuận này bao gồm các lĩnh vực sau: thương mại hàng hoá; thương mại dịch vụ; thành lập pháp nhân và di chuyển thể nhân; phòng vệ thương mại; xuất xứ hàng hóa; thuận lợi hải quan và thương mại; hàng rào kỹ thuật; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; sở hữu trí tuệ; mua sắm chính phủ; cạnh tranh; phát triển bền vững; thương mại điện tử; thủ tục giải quyết tranh chấp.

Hiệp định sẽ trở thành một công cụ quan trọng để củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việc đàm phán dự kiến hoàn tất trong quý I và ký kết vào quý II trong năm 2015. 

Bộ trưởng công nghiệp và thương mại LB Nga cho hay nước này sẽ tận dụng hiệu quả các cơ hội mới để hỗ trợ các mối quan hệ thân thiện với các đối tác tin cậy trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh tư liệu: Getty Images.
Bộ trưởng công nghiệp và thương mại LB Nga cho hay nước này sẽ tận dụng hiệu quả các cơ hội mới để hỗ trợ các mối quan hệ thân thiện với các đối tác tin cậy trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh tư liệu: Getty Images.

Sau 8 vòng đàm phán, chúng tôi có thể thấy rằng các bên đều tích cực hướng về phía trước. Hiện tại, các chủ đề thảo luận đang hướng tới thuế xuất khẩu các mặt hàng chính, các nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa, vấn đề pháp lý và đầu tư.

Phương thức hợp tác mới này sẽ cho phép Nga tiếp cận không chỉ thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với 96 triệu người tiêu dùng mà còn cả thị trường của ASEAN. 

Trong khi đó, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với một thị trường rộng lớn với 170 triệu dân. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập cơ chế ưu đãi thương mại với Liên minh Kinh tế Á – Âu.

- Sau khi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường Nga theo cơ chế nào? Hàng hóa Việt Nam nào có tiềm năng phát triển tại thị trường Nga?

- Cơ chế xuất khẩu hàng hóa sẽ không thay đổi ngay lập tức. Tuy nhiên, các điều kiện cắt giảm thuế hải quan được thống nhất cho tất cả các nước thuộc EEU. Trong một số nhóm mặt hàng, thuế nhập khẩu có thể được cắt giảm và mang lại lợi ích cho Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga.

Theo số liệu của Hải quan Liên bang Nga vào đầu năm 2015, các hàng hóa chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Nga là máy móc, thiết bị (51,4%), dệt may (22,7%), các sản phẩm nông nghiệp (19,6%). Tôi cho rằng những hàng hóa này sẽ chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Nga.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/230591/ngay-ban-ron-cua-thu-tuong-nga-o-ha-noi.html

Theo Xuân Linh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm