Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Ngày ấy nó 'quậy' Ngoại

Ngày ấy, thằng nhóc choai choai 7 tuổi chạy tíu tít theo sau Ngoại suốt ngày. Nó lì lắm! La mắng thế nào nó cũng một mực đòi theo Ngoại.

Blog dự thi "Viết cho người phụ nữ của tôi"

Ngày ấy nó 'quậy' Ngoại

Ngày ấy, thằng nhóc choai choai 7 tuổi chạy tíu tít theo sau Ngoại suốt ngày. Nó lì lắm! La mắng thế nào nó cũng một mực đòi theo Ngoại.

Ngày ấy nó 'quậy' Ngoại

Ảnh minh họa

Nó theo Ngoại ra vườn, khi Ngoại hái được một trái xoài to thì nó cười đưa cái răng sún, nó thích lắm khi Ngoại bảo “Chụp lấy nè Quậy ơi!”. Nó thì cứ lăng quăng “Trái bên này bà ơi!”, “Trái cao ơi là cao kìa bà!”

Ngoại cười tít mắt: “Bà lùn thế này sao hái tới hả Quậy? Mai mốt Quậy lớn lên cao to thì leo lên hái cho bà!”.

Nó nheo mắt nhìn trái xoài cao ngất trới ấy và nhìn vào mắt Ngoại. Đôi mắt nhăn nheo ấy làm cho nó thêm yêu những ngày bên Ngoại!

Nó theo Ngoại ra ngoài đồng. Nó ngồi trên bờ nhìn Ngoại lom khom dưới ruộng. Nhìn một hồi rồi nó cũng leo xuống ruộng, nó biết nếu Ngoại phát hiện thì sẽ la nó nên nó bò dưới ruộng để tiến gần lại Ngoại. Thân hình Ngoại đã thấp bé, mà cây lúa xanh kia lại vô tình làm nơi ẩn náo thật lý tưởng cho nó. Ngoại vừa quay lại, nó đã mất dạng. Ngoại kêu: “Quậy ơi! Quậy à!” thì nó đứng xổng dậy cười hả hê, mình đầy bùn đất, mặt mày tèm lem. Ngoại phải phục cái sự nghịch ngợm của nó!

Ngày ấy rồi cũng trôi qua. Nó lớn lên, 12 tuổi nó cùng cha mẹ ra ở riêng nhưng mà nó vẫn cứ “quậy” bà như cái tên của nó. Nó cứ bắt Ngoại chở nó về chơi. Ngoại chở nó trên chiếc xe đạp, nó hát tình tang trên đường làng, gặp ổ gà nó bị nấc cục, thế là hai bà cháu cười phá lên. Thật vui vẻ!

Nó bây giờ đã lớn rồi, học hành nhiều lắm. Nó nhớ Ngoại! Nó nhớ chiếc áo bà ba của Ngoại. Nhớ cái nón lá bạc màu và đặc biệt là cái hình dáng nhỏ nhắn, gầy gò của Ngoại. Chiếc xe đạp của Ngoại cũng đã hư rồi và đường làng cũng không còn ổ gà cho nó nất cục. Bây giờ nó học xong là chạy về thăm Ngoại ngay. Bà nằm trên chiếc võng đong đưa với câu hò mà ngày ấy nó vẫn thường hay nghe “Hò…ơ…Ví dầu cầu ván đóng đinh… Con đi trường học mẹ đi trường đời!”. Rồi chen vào đó là những tiếng ho râm ran. Nó chạy lại ôm bà như thằng Quậy ngày xưa vẫn hay làm. Nó gượng cười “Ngoại hát dở quá!”. Ngoại cười “Già rồi hát chơi cho đỡ nhớ thằng Quậy”. Hai bà cháu vẫn thường ôm nhau tâm sự như thế.

Nó kể cho Ngoại nghe mọi chuyện nó tiếp xúc được bên ngoài. Còn Ngoại thì dạy cho nó nhiều thứ về cái cuộc sống chật chội và hỗn loạn đã trải qua. Nó nhớ nhất là lúc Bà kể chuyện đời mình cho nó nghe. Từ thời bé như nó cho đến bây giờ. Khiến nó thấm sâu được cuộc đời hơn và thấy thương Ngoại nhiều hơn!

Nó đỗ Đại học, bà là người mà nó chia sẻ đầu tiên. Ngoại khóc! Những giọt nước mắt hạnh phúc của Ngoại làm nó nghẹn ngào. Đối với nó, Ngoại là cô giáo dạy nó cách làm người. Ngày nó đi học xa, nó không dám nhìn Ngoại, nó chỉ nhìn bà qua ô cửa kính xe buýt, và bà đang lau nước mắt. Nó cầm lòng. Trong nó như được tiếp nhận thêm một ý chí mạnh mẽ từ Ngoại.

Nó thầm cảm ơn đời đã ban cho nó một người bà và cảm ơn bà đã ban cho nó một nghị lực sống. Nó sống rất tốt, thỉnh thoảng nó lại gọi về và tâm sự với bà như ngày ấy. Cuộc sống chật chội, nó phải đối đầu với những lo toan thường ngày. Thứ mà nó rất ghét, giá mà nó được ở bên bà. Một chút thôi! Nó ước được ôm bà một cái ngay lúc ấy. Nó muốn nhìn thấy bà ngoài đời chứ không phải qua những tấm ảnh. Nó nhớ bà!

Một tháng, hai tháng rồi 3 tháng nó nghỉ Tết về thăm Ngoại. Nó vui lắm và bà lại khóc. Nó lau nước mắt cho bà, nó bắt đầu cảm thấy buồn. Nó buồn vì Xuân này bà lại thêm tuổi mới. Buồn vì, nó phải thực hiện tiếp tục ước mơ của nó trên “chiến trường”. Bằng ý chí được nung nấu từ bà. Nó rất ghét cái cảm giác phải từ giã bà nhưng nó biết chấp nhận. Nó quyết tâm đổi cho bà bằng tương lai của nó.

Kỳ thi nào đối với nó cũng rất thường tình nhưng lần này trước khi bước vào kỳ thi nó nhận được tin Ngoại bệnh. Nó khóc! Nó nghỉ một buổi học chiều và sáng hôm sau nó lại đi học bình thường. Nó quyết học và không về quê thăm Ngoại! Nó nói chuyện với bà qua điện thoại “Thi xong lần này thì về thăm ngoại. Chớ mà bỏ thi thì bà không nhìn con đâu. Nghe không Quậy!”. Nó nghe giọng cười của bà, cái giọng cười không còn sang sảng như ngày ấy nữa mà bây giờ chỉ còn đọng lại trong từng hơi thở ốm yếu mà thôi.

Nó hiểu rằng Ngoại sẽ không buồn nó đâu vì nó biết tương lai của nó chình là hạnh phúc của bà! “Bà đợi con về nhé! Con yêu bà!”

Sau một tháng thi cử. Nó về quê trèo lên cây xoài ngày ấy hái một quả xoài thật to, quỳ trước phần đất cỏ vừa mới mọc xanh non.

Nó mỉm cười “Con thi tốt lắm bà ạ!...”

Có lẻ nó vẫn chưa học hết tất cả những bài học của “cô giáo trường đời” nhưng bấy nhiêu cũng đủ để nó vững chảy trên chính đôi chân của mình.

Nó chỉ biết nói rằng nó cảm ơn bà nhiều lắm! Bà ơi…!

Jony Kiệt

Theo Zing Me

Blog tham gia cuộc thi Viết cho người Phụ Nữ của tôi

Blog tham gia cuộc thi Viết cho người Phụ Nữ của tôi

Bạn có thể quan tâm