Ngày 7/5 sẽ đấu thầu 26.000 lượng vàng
Thông báo phát đi từ Ngân hàng Nhà nước vào cuối giờ chiều 6/5 cho biết, sẽ có thêm 26.000 lượng vàng miếng SJC, tương đương 1 tấn vàng, được chào thầu trong phiên đấu thầu ngày 7/5.
Thời gian và địa điểm diễn ra phiên đấu thầu vẫn như thường lệ, vào lúc 9h sáng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Sau 13 phiên đấu thầu vàng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường trên 14 tấn vàng. |
Giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho phiên đấu thầu này là 41,85 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC do các doanh nghiệp thu mua trên thị trường chiều 6/5. Trong chiều 6/5, khi giảm xuống mức thấp nhất thì giá vàng SJC mua vào do các doanh nghiệp lớn niêm yết chạm mức 41,9 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước công bố giá tham chiếu là để phục vụ cho việc tính giá trị đặt cọc của các đơn vị tham gia vào buổi đấu thầu. Thực tế từ các phiên đấu thầu vừa qua cho thấy, giá sàn cho các phiên thường được đưa ra cao hơn so với giá thị trường và các đơn vị, chủ yếu là ngân hàng thương mại, vẫn sẵn sàng chấp nhận giá này để mua được vàng.
Sau 13 phiên đấu thầu vàng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường trên 14 tấn vàng. Hầu hết số vàng này được cho là đã được các ngân hàng thương mại gom để tất toán trạng thái trước hạn 30/6. Theo ước tính của một số nguồn, thì các ngân hàng có thể cần thêm khoảng 6 tấn vàng nữa mới đủ để đóng trạng thái.
Mỗi đơn vị tham gia phiên đấu thầu ngày 7/5 phải đặt thầu tối thiểu 1.000 lượng, nhưng không quá 10.000 lượng vàng. Các đơn vị trúng thầu sẽ nhận vàng tại Kho tiền II của Ngân hàng Nhà nước tại Tp.HCM.
Việc giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 4-5 triệu đồng/lượng sau khi hơn 14 tấn vàng được bơm ra thị trường qua đấu thầu đã khiến dư luận có nhiều băn khoăn. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc đấu thầu vàng là để bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá.
Phát biểu trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên kênh VTV1 ngày 5/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, đang có sự hiểu nhầm giữa khái niệm ổn định giá với khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Để lý giải cho nhận định này, ông Bình lấy ví dụ, giá vàng trong nước ngày hôm nay là 42 triệu đồng, ngày mai có thể cũng quanh mức 42 triệu đồng, nhưng ngày hôm qua chênh lệch giữa giá vàng thế giới có thể là 2 triệu đồng còn hôm nay có thể lên tới 5 - 6 triệu đồng.
Cũng theo Thống đốc, lợi ích của chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện nay là thuộc về ngân sách Nhà nước để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội vì Ngân hàng Nhà nước đã đứng ra đảm nhiệm toàn bộ việc nhập vàng.
Theo VnEconomy