Theo các chuyên gia, đây là loài cây rất bình thường, xuất hiện ở Việt Nam từ lâu.
Cây vô danh, giá tiền tỷ
Gần đây, trên nhiều diễn đàn sinh vật cảnh, cây bạch hải đường đang được các cá nhân, nhà vườn chào bán rất rầm rộ. Một tài khoản có tên V.H.H. giới thiệu đang sở hữu cả trăm cây bạch hải đường tại Phú Thọ có độ tuổi từ 1-2 năm với rất nhiều gốc quý hiếm. H. cho biết, đây là loại cây tượng trưng cho phú quý, giàu sang. Đặc biệt, nếu sở hữu những cây hải đường trắng (còn gọi bạch hải đường), gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn đến đâu phát tới đó.
Việc người dân chạy theo bạch hải đường có nguy cơ ôm trái đắng, vỡ nợ tiền tỷ như lan đột biến. |
Theo người này, khác với lan đột biến, bạch hải đường rất khó nhân giống, cứ khoảng cả nghìn cây mới có một cây hoa màu trắng nên càng có tuổi đời lâu, cây càng giá trị. “Khác với lan đột biến có thể tách nhiều ki (keiki - tức chồi non mọc ra từ cây mẹ, hoặc centimet nếu bán cả cây lớn), bạch hải đường không thể nhân giống cây con giống cây mẹ nên rất “độc”. Loại này bây giờ chỉ cần gốc bằng cổ tay là đã có gần 1 tỷ đồng rồi. Còn hoa màu đỏ, màu vàng, giá rẻ hơn với tầm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”, H. nói.
Ông Nguyễn Hồng Siêm, nguyên Chủ tịch Hội Ðông y Hà Nội, nói rằng qua nhiều năm sử dụng cây dược liệu trong đông y, mới chỉ ghi nhận hải đường ở việc được dùng phối hợp vào trà uống giúp thanh nhiệt; còn chưa có tài liệu nào, và phương thuốc nào sử dụng bạch hải đường làm thuốc chữa xương khớp hay cho phụ nữ uống sau sinh. Theo ông Siêm, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ những quảng cáo không chính xác, gây nguy cơ “tiền mất tật mang” cho người dân.
Liên hệ với một nhà vườn có tên T.Đ. tại Nam Định, phóng viên được chủ vườn này giới thiệu cây bạch hải đường cao 2,1m, tán rộng 1 m, có giá công khai là 1,3 tỷ đồng. Theo chủ vườn, giá các loại cây hải đường màu đỏ, màu trắng, màu vàng tại vườn dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhiều nhất là bạch hải đường có độ tuổi 6 tháng, giá 250 triệu đồng. Người này nói rằng, cách đây mấy hôm vừa bán một cây khác với chiều cao thấp hơn một nửa nhưng giá hơn 900 triệu đồng.
“Đây là loại đột biến quý hiếm chứ không phải hoa màu đỏ như bình thường nên giá rất cao. Để cây này trong nhà, không chỉ hút vượng khí hay tụ lộc cho gia đình, mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh đau thấp khớp và đun nước uống để thanh lọc cơ thể cho phụ nữ sau sinh”, chủ vườn nói.
Trào lưu săn bạch hải đường “độc”, hiếm đang được quảng cáo nhiều nhất tại Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ, Hòa Bình… Nhiều chủ vườn khoe cây vừa đăng lên đã có hàng chục khách gọi, thậm chí nửa đêm khách còn đòi đến xem tận nơi để chốt. Để tăng độ “hot” của loại cây này, không ít dân buôn còn tuyên bố thu mua không giới hạn số lượng, bất chấp giá cả. Đặc biệt, những cây có vanh (chu vi gốc) càng lớn, nguyên bản càng được định giá cao.
Chiêu trò, thổi giá để trục lợi
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, cho biết bạch hải đường là loại cây tự nhiên rất dễ trồng, có thể gieo hạt và giâm cành, không hề có điểm gì đặc biệt. Trước đây, loại cây này giá chỉ vài chục nghìn đến vài triệu đồng nhưng cũng hiếm khách mua. Theo ông Đông, cơn sốt bạch hải đường xuất phát từ việc trước đây giới chơi cây cảnh không chú ý nên cây này hiếm, ít xuất hiện trên thị trường. Lợi dụng tâm lý này, một số người tạo cơn sốt, đẩy giá cây lên để trục lợi.
“Bản chất nó không hề có giá trị như những gì đang được quảng cáo. Đây là mức giá không tưởng cho một loài cây ít có giá trị cả về khoa học lẫn kinh tế. Người chơi cây cảnh lâu năm sẽ biết rất rõ, còn người không chơi mới tin giá này. Đây có thể là chiêu trò thổi giá để lừa những người chơi nghiệp dư, ham của lạ”, ông Đông nói.
Một nhà vườn tại Nam Ðịnh đang rao bán bạch hải đường với giá 250 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Gia Thọ, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng dù là có màu đỏ hay màu trắng, cây hải đường cũng không phải là loại cây hiếm như những lời đồn thổi, quảng cáo. Với kỹ thuật hiện đại như hiện nay, việc nhân giống cây, tạo các màu hoa, thậm chí tạo đột biến không hề khó. “Muốn cây có hoa màu gì, chỉ cần sử dụng công nghệ lai tạo là có thể ra hàng nghìn cây đúng như ý”, ông Thọ cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho hay các lãnh đạo Hội đã họp và nhận định đây là chiêu trò thổi giá. Tuy nhiên, xác định đây là chiêu trò đơn giản, người dân cơ bản sẽ không mắc bẫy như lan đột biến.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), khẳng định hải đường là loài cây bình thường, xuất hiện từ rất lâu ở Việt Nam và thường được trồng làm cây cảnh, không có gì quý hiếm. Trước đây, người dân thường quan tâm, thích các loại hải đường hoa màu đỏ, màu vàng và gần như không để ý đến màu trắng, do đó số lượng ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bạch hải đường là loại cây rất bình thường, thậm chí còn không bằng một số loại lan đột biến.
Theo ông Cường, vừa qua tình trạng thổi giá lan đột biến đã khiến nhiều người vỡ nợ, thậm chí tan cửa nát nhà. Bài học cay đắng còn chưa vơi hết, thì người dân ở một số nơi lại tiếp tục “ngáo giá” theo cây bạch hải đường.
“Mấy tuần nay, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin về tình trạng thổi giá lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng với cây bạch hải đường tại một số địa phương. Việc đồn thổi hoa bạch hải đường quý hiếm thực tế chỉ là chiêu trò của một số người kinh doanh nhằm trục lợi, và đánh vào lòng tham, hiệu ứng đám đông khi thấy cái lợi trước mắt. Người dân cần hết sức tỉnh táo, tránh sập bẫy lừa từ loại cây này”, ông Cường nói.
Theo khảo sát trên các sàn thương mại điện tử, giá của một cây hải đường trắng từ 40.000-400.000 đồng/cây. Ngày 14/4, phóng viên khảo sát tại các điểm bán cây cảnh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội), làng hoa Xuân Quan và Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên). Theo đó, nhiều chủ buôn cho biết, vài ngày gần đây cũng có nhiều khách đi hỏi mua loài cây này nhưng hiện họ chỉ có loại hải đường hồng. Một người bán buôn cây cảnh nhiều năm gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói rằng trên mạng gọi là bạch hải đường nhưng thực tế cây này lâu nay được bán dưới tên là dạ hợp. Bình thường giá, chỉ hơn 100.000 đồng. Việc nhân giống, nuôi dưỡng cây này cũng khá dễ dàng với phương pháp chiết, ghép, thậm chí là giâm cành.
Xem xét kỹ những hình ảnh về bạch hải đường được rao bán trăm triệu, tỷ đồng, GS.TS Ngô Quang Ðê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp (Trường Ðại học Lâm nghiệp), nhận định: Cây bạch hải đường này giống với cây sen thân gỗ (hay còn gọi là sen đất). “Hoa là giống nhau, lá cũng tương tự. Ðể khẳng định, cần phải xem các cây bạch hải đường họ bán tiền tỷ có gì khác không nhưng có thể khẳng định gần như chắc chắn, bạch hải đường là cây sen đất. Về ý kiến cho rằng, bạch hải đường là cây hoa dạ hợp, GS Ðê cho hay, nhà ông có nhiều cây dạ hợp. Hoa dạ hợp cũng màu trắng giống hoa sen đất nhưng nhanh tàn, cây nhỏ, không to như sen đất.
“Sen đất chỉ cần giâm cành cũng lên cây. Người ta đã làm được, bán 100.000-200.000 đồng/cây giống. Trường hợp là hải đường đột biến thật cũng không thể đắt như thế vì hải đường rất dễ nhân giống. Nếu bạch hải đường là hoa dạ hợp lại càng rẻ vì cây này phổ biến, dễ nhân giống. Ðây chỉ là trò thổi giá, lừa đảo mà thôi”, GS Ðê nói.