Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các cửa hàng hoa tại Mỹ gặp khó khăn chưa từng có. Luke Franco và Jenny Elliot, chủ một cửa hàng hoa tại thị trấn Hillsdale, bang New York, Mỹ, từng không biết phải làm gì với 40.000 bông hoa tulip được trồng vào tháng 10/2019, khi các đám cưới hay bữa tiệc bị hủy bỏ.
Trước đó, tình hình ngành trồng hoa quy mô nhỏ ở Mỹ tương đối khả quan. Nông dân địa phương có chỗ đứng quan trọng trong ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này. Cửa hàng của Franco và Elliott mở cửa từ tháng 5/2011. Đến nay, hai nhân viên của họ đã có trang trại hoa riêng.
Đại dịch Covid-19 tưởng như sẽ khiến người trồng hoa tại Mỹ rơi vào khủng hoảng. Tuy vậy, đại dịch lại đem đến tác động tích cực về dài hạn cho ngành nghề này.
Cơn sốt hoa nội địa
Đầu tháng 5/2020, khi nước Mỹ tổ chức Ngày của Mẹ - một trong những dịp tiêu thụ hoa lớn nhất trong năm, nhiều người không thể tìm được dù chỉ một bó hoa. Thị trường hoa ở Mỹ đột nhiên im ắng khi nghề bán hoa không được coi là “ngành nghề thiết yếu” tại nhiều bang.
Lúc này, những nông dân trồng hoa như Franco và Elliott nhận được sự chú ý. “Sự quan tâm của khách hàng bùng nổ”, Elliott nói.
Những đóa hoa được trưng bày trong cửa hàng của Franco và Elliott. Ảnh: Bloomberg. |
“Những điều đang diễn ra trái với những thứ chúng ta thường nghĩ. Nhiều người lựa chọn nông nghiệp địa phương, cũng như những nông dân quy mô nhỏ ngay trong cộng đồng”, nhà vận động kiêm nhà văn Debra Prinzing nói.
So sánh với những bông hoa nhập khẩu - bị bón thuốc trừ sâu và vận chuyển hàng nghìn kilomet - những bông hoa được trồng tại Mỹ dường như thân thiện với môi trường hơn.
Hoa nhập khẩu chiếm đến 80% thị phần hoa đã cắt tại Mỹ. Tuy vậy, giá trị ngành công nghiệp hoa nội địa vẫn tăng 9% từ năm 2015 đến năm 2018 và đạt tới con số 4,77 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, số nhà sản xuất hoa cũng tăng 8% trong giai đoạn này.
Bí quyết thành công của những nông dân trồng hoa này là quảng bá, bán hàng trực tiếp đến khách hàng, cũng như hợp tác với các nhà thiết kế hoa và công ty tổ chức sự kiện. Sự nổi lên của phong trào bảo vệ môi trường cũng góp phần thúc đẩy thị trường hoa nội địa.
Dù cho thị hiếu của người tiêu dùng tiếp tục ngả về sản phẩm nội địa sau đại dịch, ưu thế của hoa nhập khẩu trên thị trường Mỹ khó biến mất trong tương lai gần. Tuy vậy, người Mỹ đã tìm ra phương án thay thế.
Những người nông dân trồng hoa tiếp cận thị trường bằng mô hình kinh doanh hỗn hợp. Qua đó, họ thu được giá trị gia tăng lớn hơn so với giá trị gốc của hoa. Trồng ra một bông hoa độc đáo khó hơn nhiều so với trồng cả một vườn hoa. Tuy vậy, những người chấp nhận thử thách này có thể bán với giá cao hơn khi bán trực tiếp cho khách hàng.
Hoa trồng tại địa phương đang dần được người Mỹ ưa chuộng. Ảnh: Dallas Morning News. |
Trong thời kỳ đại dịch bùng phát, người mua dường như sẵn sàng chi nhiều hơn cho thứ hàng hóa hợp túi tiền này. “Năm ngoái, chúng tôi thu được nhiều tiền từ hoa poppy, dù loài hoa này chỉ sống được từ 2-3 ngày. Mọi người không quan tâm. Họ sẵn sàng tiêu tiền”, Elliott nói.
Kỳ vọng phát triển
Những người bán hoa không có trang trại cũng tham gia thuyết phục người tiêu dùng. Họ nói về giá trị của những bông hoa trồng tại địa phương một cách bền vững.
Taylor Patterson, một nhà thiết kế hoa tại quận Brooklyn, New York, cho biết khách hàng của bà sẵn sàng trả tiền cho một đóa hoa đậu tinh xảo, có mùi thơm nồng nàn hay một bó poppy sớm tàn phai. Họ hiểu những hạn chế này khiến bông hoa đặc biệt.
“Đây cũng là lý do bạn sẵn sàng bỏ ra 5 USD cho một quả cà chua được trồng tại chỗ, thay vì chỉ nửa USD cho một quả cà chua được nhập khẩu từ Mexico”, bà Patterson nhận xét.
“Việc mua hoa hữu cơ được trồng tại chỗ dường như là điều xa xỉ. Tuy vậy, tôi mua được những bông hoa đẹp nhất với giá rẻ hơn so với hoa nhập khẩu”, bà Betsaida Alcantara, một người dân thị trấn Copake, New York, cho biết. “Chúng khiến tôi cảm thấy được kết nối với những người nông dân địa phương, bất chấp các biện pháp cách ly kiểm dịch”.
Một số người mua hoa để có những bức ảnh tuyệt đẹp mà họ từng nhìn thấy trên mạng xã hội. “Sự bùng nổ của mạng xã hội trong những năm 2000 góp phần phát triển phong trào nông dân trồng hoa”, Marybeth Wehrung, chủ một trang trại tại New York, nói. Bà từng thấy nhiều nhà sản xuất hoa trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Marybeth Wehrung bên trang trại hoa của bà tại bang New York, Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
“Để tái tạo những gì bạn thấy trên Instagram, bạn cần những bông hoa mềm mại với hình dáng không đồng đều. Màu sắc cần trầm lắng, nhìn như màu nước. Nói cách khác, đây không phải những bông hoa “hoàn hảo” được mua ngoài cửa hàng”, ông Prinzing nói.
Bà Wehrung nhận định thị trường hoa trồng tại chỗ còn nhiều dư địa để phát triển. “Các trang trại lớn tại Trung Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đã chịu tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu và đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất Mỹ bù đắp cho nhu cầu của người tiêu dùng”, bà nói.
Nước Mỹ đã tạm thời khống chế được đại dịch Covid-19. Các đám cưới đã được phép tổ chức trở lại. Sau một năm đầy căng thẳng, những cặp đôi kết hôn năm nay sẽ sẵn sàng chi tiêu hơn thông lệ. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho những người trồng hoa.
“Tôi nghĩ các đám cưới sẽ trở lại rầm rộ. Đây sẽ là mùa thu của tình yêu”, Franco nói.