Nhiều cử nhân Báo chí bày tỏ sự thất vọng sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Concordia University. |
Nộp hồ sơ đại học đang vào "mùa" sôi động nhất tại Mỹ, nhưng nhiều gia đình vẫn đặt câu hỏi liệu tấm bằng 4 năm đại học còn giá trị hay không, theo CNBC.
Một số chuyên gia cho rằng giá trị của tấm bằng cử nhân đang giảm dần và nhiều người bắt đầu chú trọng đến việc đào tạo nghề nghiệp. Các công ty, kể cả công ty trong lĩnh vực công nghệ, cũng đang giảm yêu cầu về bằng cấp cho các vị trí yêu cầu kỹ năng trung bình, thậm chí là vị trí yêu cầu kỹ năng cao.
Tuy nhiên, sở hữu tấm bằng đại học luôn là điều có lợi. Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động của Đại học Georgetown (Mỹ) đã thực hiện một báo cáo tên là The College Payoff.
Báo cáo cho biết những người có bằng cử nhân thường kiếm được nhiều hơn 84% so với với những người chỉ có bằng tốt nghiệp trung học. Trình độ học vấn càng cao, mức lương sẽ càng lớn.
Nhưng khi chia nhỏ bằng cấp theo từng lĩnh vực, chúng ta lại nhìn thấy sự khác biệt. Những sinh viên theo đuổi các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (gọi chung là STEM) được dự đoán sẽ kiếm được nhiều tiền nhất.
Ngoài nhóm STEM, các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Y tế và Kinh doanh cũng giúp cử nhân kiếm được công việc lương cao. Mức lương khởi điểm trung bình và mức lương trung bình trong suốt sự nghiệp của nhóm ngành này cao hơn đáng kể so với nhóm cử nhân sở hữu bằng tốt nghiệp liên quan lĩnh vực Nhân văn, Nghệ thuật tự do.
ZipRecruiter đã thực hiện một khảo sát với hơn 1.500 cử nhân đại học đang tìm kiếm việc làm. Kết quả, 44% người làm khảo sát nói rằng họ hối hận khi theo đuổi ngành học. Báo chí, Xã hội học, Truyền thông và Giáo dục đứng đầu danh sách những ngành học gây hối hận nhất.
Sinem Buber, chuyên gia kinh tế của ZipRecruiter, nói rằng sinh viên có thể bị cuốn vào những lĩnh vực này khi đang đi học vì các em chưa hoàn toàn quan tâm đến tiền lương và khả năng đảm bảo việc làm. Nhưng khi tốt nghiệp, thực tế sẽ ập đến.
"Khi bạn gần như không thể thanh toán các hóa đơn, chi phí sinh hoạt, đồng lương sẽ trở nên quan trọng hơn", bà Buber nói.
Trong số những cử nhân bày tỏ sự hối hận khi theo đuổi chuyên ngành, hầu hết đều nói nếu có thể làm lại, họ sẽ chọn ngành Khoa học máy tính hoặc Quản trị kinh doanh.
ZipRecruiter nói rằng triển vọng việc làm tốt, lương cao đồng nghĩa với việc người lao động sẽ ít hối hận về ngành học. Những cử nhân tham gia lực lượng lao động với triển vọng nghề nghiệp tốt và mức lương khởi điểm cao là những người cảm thấy hài lòng nhất với ngành học của họ.
Cử nhân Khoa học máy tính - sở hữu mức lương khởi điểm trung bình 100.000 USD/năm - là những người cảm thấy hạnh phúc nhất. Cử nhân theo đuổi ngành học thuộc các lĩnh vực Tội phạm học, Kỹ thuật, Điều dưỡng, Kinh doanh và Tài chính cũng cảm thấy hài lòng về lựa chọn của họ.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.