Ngành logistics của Việt Nam được đánh giá tăng trưởng nhanh trong những năm trở lại đây. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới, có ngành sản xuất ngày càng quốc tế hóa, và là mắt xích quan trọng trong chuỗi bán lẻ toàn cầu. Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều giai đoạn trong nghiệp vụ logistics được thao tác thủ công, làm giảm hiệu suất kinh doanh”, ông Kim Dongkyun, trưởng bộ phận Smart Logistics của Samsung SDS khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nói với Zing.
Việt Nam xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng Các thị trường mới nổi 2023 (Emerging Markets Index 2023) của Agility về cơ hội logistics toàn cầu, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico. Đây cũng được đánh giá là ngành tăng trưởng nhanh, hơn 23% từ 2020-2022, theo Nextrans.
Dù vậy, quỹ đầu tư này cũng ước tính tổng chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, chiếm khoảng 20% GDP. Mỗi sản phẩm phải gánh chi phí vận chuyển trong khoảng 30-40% giá thành. Trong khi đó với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ dưới 15%. Mức độ chênh lệch này cho thấy ngành logistics còn nhiều điểm có thể cải thiện.
“Thị trường logistics ở Việt Nam chưa được số hóa một cách toàn diện so với các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, và còn nhiều điểm cần cải thiện vì rất khó vận hành các ngành sản xuất nếu không số hóa”, đại diện Samsung SDS đánh giá về điểm yếu của logistics Việt Nam.
Dư địa cải thiện nhờ số hóa này khiến cho ngành hậu trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các công ty công nghệ như Samsung, Amazon, Alibaba hay trong nước là Viettel, FPT.
Nói về tình hình kinh doanh tại Việt Nam, Amazon từng cho biết các giải pháp vận hành kho của họ giúp nhà bán lẻ tiết kiệm chi phí khi bán hàng ra nước ngoài. Tương tự, Samsung cho biết giải pháp Cello Square do Samsung SDS phát triển giúp năng suất và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Các công ty công nghệ này tận dụng nền tảng của mình để chuyển từ khách hàng của ngành logistics sang nhà cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như Samsung SDS, Amazon Global Selling hay Viettel Logistics. Ông Kim Dongkyun cho rằng việc số hóa có thể giúp giảm tới 50% tuổi kho, một trong những yếu tố giúp xác định điểm đọng vốn trong hệ thống.
Các giải pháp số hóa logistics được đánh giá là không phụ thuộc vào các công nghệ cao hay đặc biệt. Tuy nhiên do đặc thù vận hành sản xuất và xuất nhập khẩu quy mô lớn, khó khăn của việc số hóa nằm ở thời gian dài kiểm thử chất lượng, đảm bảo độ tin cậy cũng như khả năng cá nhân hóa tùy thuộc nhu cầu doanh nghiệp.
“Dù là SDS hay các doanh nghiệp quốc nội của Việt Nam chẳng hạn, cũng sẽ không có nhiều khác biệt quá lớn về chi phí. Thực tế, chúng tôi không bán giải pháp logistics của Samsung, mà chia sẻ giải pháp này do đó khách hàng không mất chi phí đầu tư hệ thống ban đầu”, ông Kim Dongkyun trả lời khi được hỏi về lo ngại của doanh nghiệp về chi phí số hóa logistics.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.