Theo một nghiên cứu mới đây của Liên Hợp Quốc, lượng khách du lịch quốc tế sẽ tiếp tục trì trệ trong năm nay, do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước đang phát triển, gây thiệt hại kinh tế tới 2.400 tỷ USD. Ngành du lịch sẽ không phục hồi hoàn toàn trước năm 2023, Reuters cho biết.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) và Hiệp hội Thương mại và Phát triển (Unctad), cho biết thiệt hại kinh tế từ sự lao dốc của ngành du lịch kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái có thể lên đến 4.000 tỷ USD.
UNWTO cho biết tiêm chủng và hộ chiếu vaccine là chìa khóa để khôi phục niềm tin vào du khách nước ngoài, cứu rỗi ngành du lịch nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch.
Năm ngoái, lượng khách quốc tế giảm đến 73%, so với mức trước đại dịch năm 2019. Thiệt hại kinh tế ước tính 2.400 tỷ USD cho ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan, báo cáo của UNWTO cho biết.
Sự lao dốc của ngành du lịch do Covid-19 gây thiệt hại kinh tế tới 4.000 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Ông Ralf Peters, chuyên gia về phân tích thương mại của Unctad, nói: “Triển vọng năm nay không mấy khả quan. Ba tháng đầu năm dịch bệnh lại tồi tệ, không có nhiều tour du lịch được mở ra”.
Ông Peters nói với Reuters rằng có một kỳ vọng về sự phục hồi nhất định trong nửa cuối năm nay, ít nhất là đối với Bắc Mỹ và châu Âu.
Báo cáo của UNWTO cho biết thêm lượng khách du lịch quốc tế năm nay tiếp tục giảm từ 63 đến 75% trong năm nay, so với mức trước đại dịch, dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 1.700 đến 2.400 tỷ USD.
“Trong lĩnh vực du lịch quốc tế, chúng ta đang ở mức của 30 năm trước, vì vậy về cơ bản chúng ta đang ở giai đoạn những năm 1980. Nhiều sinh kế đang bị đe dọa”, bà Zoritsa Urosevic, đại diện tại Geneva của UNWTO, tổ chức có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha, nói.
Bà nhận định việc phục hồi ngành du lịch quốc tế như trước đại dịch có thể phải sau năm 2023.
Bà Sandra Carvao, giám đốc dự báo thị trường của UNWTO, nói rằng du lịch quốc tế sẽ có sự phục hồi đa dạng, thay đổi theo quốc gia và khu vực. Chứng chỉ du lịch kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Đề cập đến các hành lang du lịch khác, bà Carvao cho biết: “Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực đóng cửa khắt khe nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Hầu hết biên giới các quốc gia bị đóng hoặc có những hạn chế đáng kể”.