Sau khi Bộ Xây dựng nói về nguyên nhân khiến hàng trăm trụ điện ở miền Trung gãy trong bão số 5, chia sẻ với Zing, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của ngành điện lực và bên cung ứng cột điện.
"Cột điện được làm theo tiêu chuẩn nhưng quá trình sản xuất, các đơn vị cung cấp vật tư có đảm bảo hay không? Chủ đầu tư, cơ quan kiểm định phải trả lời câu hỏi này", người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.
Sẽ đưa vụ cột điện gãy ra HĐND
Ông Thọ cho biết sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo địa phương đã kiểm tra thực tế, giao Sở Công Thương và Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đánh giá lại chất lượng, quá trình triển khai các dự án liên quan.
"Nguyên nhân chủ quan thì phải có đánh giá thấu đáo hơn", ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng các công trình lưới điện trên địa bàn đều do ngành điện lực làm chủ đầu tư nên đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Ngành Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước nên phải làm rõ những vấn đề liên quan để tham mưu tốt hơn, đảm bảo an toàn trong thời gian tới.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cũng cho hay hệ thống lưới điện là công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nên ngành điện lực phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư, giám sát chất lượng.
Hàng trăm cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị gãy. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trong khi đó, ông Lưu Đức Hoàn, Chánh văn phòng kiêm Phó ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh, cho biết đơn vị chưa nhận được văn bản số 4777 của Bộ Xây dựng nên chưa thể bình luận sâu về vụ việc.
Theo vị này, HĐND tỉnh chỉ có chức năng giám sát, còn những việc khác thì có sở, ngành liên quan xử lý. Tuy nhiên, ông nói kỳ họp hội đồng sắp tới, HĐND tỉnh sẽ cho ý kiến về vấn đề cột điện gãy, đổ ở Thừa Thiên - Huế.
"Chúng tôi chưa tiếp cận văn bản của Bộ Xây dựng nên chưa có ý kiến khách quan về vấn đề. HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ cho ý kiến phù hợp nhất về vụ việc", ông Hoàn nói.
Các đơn vị liên quan như thế nào?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN ở Đà Nẵng) cho hay sau khi Bộ Xây dựng đánh giá ban đầu về nguyên nhân chủ quan, khách quan thì Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải vào cuộc xử lý rốt ráo để trả lời cho người dân.
Chuyên gia này nói theo văn bản của Bộ Xây dựng, có nhiều cơ quan, đơn vị liên quan trách nhiệm vụ hàng trăm cột điện bị gãy. Trong đó, trách nhiệm rõ nhất trong vụ này là đơn vị cung cấp sản phẩm cột điện.
"Theo thông tin từ Bộ Xây dựng thì nhà thầu đã thiết kế, sản xuất, chưa đáp ứng quy định, thiếu tính toán, tạo ra sản phẩm hàng hóa không đạt chất lượng nên bị đổ, gãy. Do đó, đơn vị cung ứng cột điện phải chịu trách nhiệm", luật sư Việt nhận định.
Việc mất điện ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Điền Quang. |
Trong vụ việc này, chủ đầu tư là bên mời thầu đã nhận sản phẩm không đạt chất lượng từ nhà sản xuất nên cũng cần được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ.
Nếu chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Trung và Điện lực Thừa Thiên - Huế thường xuyên kiểm tra, giám sát thì có thể phát hiện cột điện có vấn đề. "Tuy nhiên, bên mời thầu đã không nhận ra, đưa sản phẩm hàng hóa vào sử dụng. Lúc hậu kiểm cũng không thấy cột điện có vấn đề nên đơn vị này phải chịu trách nhiệm", luật sư Việt nói.
Bên mời thầu đã không nhận ra, đưa sản phẩm hàng hóa vào sử dụng. Lúc hậu kiểm cũng không phát hiện ra những sai phạm nên đơn vị này phải chịu trách nhiệm
Luật sư Mai Quốc Việt
Đồng quan điểm, luật sư Dương Văn Phúc (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết những tồn tại mà Bộ Xây dựng nêu liên quan đến thiết kế, sản xuất nên doanh nghiệp trúng thầu phải chịu trách nhiệm chính.
"Nếu nhà sản xuất thực hiện không đúng hoặc cố tình làm sai các tiêu chuẩn, quy định thì họ phải trách nhiệm tương ứng với hành vi", luật sư Phúc nói.
Còn chủ đầu tư có dấu hiệu thiếu kiểm tra, giám sát nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hàng hóa. Theo luật sư Mai Quốc Việt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì cơ quan này được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của các đơn vị thành viên tại khu vực miền Trung.
"Nếu EVN để xảy ra sai phạm trong hoạt động đấu thầu, mua sắm ở đơn vị thành viên thì phải có trách nhiệm liên đới", luật sư Việt nhận định.
Theo 2 luật sư, ngoài các cơ quan trên, đơn vị bảo trì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Bởi lẽ, nếu việc bảo trì được duy trì thường xuyên, đúng yêu cầu thì những thiếu sót đã khắc phục, hậu quả được hạn chế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, những tồn tại trên mới là thông tin ban đầu do Bộ Xây dựng cung cấp. Để làm rõ vấn đề, chi tiết các thiếu sót, sai phạm (nếu có) thì phải có cơ quan đủ thẩm quyền vào cuộc xác minh, điều tra.
Cơ quan điều tra cần vào cuộc
Luật sư Dương Văn Phúc cho rằng Bộ Xây dựng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và cả tồn tại nên trước mắt, cơ quan Trung ương nên chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Nếu cơ quan điều tra nhận thấy đủ căn cứ thì có thể khởi tố để điều tra hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Luật sư Dương Văn Phúc
Nếu cơ quan chức năng kết luận có sai phạm thì tùy theo mức độ, phải truy trách nhiệm đơn vị liên quan.
Tùy theo tính chất vụ việc, cơ quan chức năng có thể chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự theo Điều 222, 224 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, chuyên gia pháp lý cho rằng chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong trường hợp không kiểm tra, giám sát, kiểm định kỹ sản phẩm khi đưa vào sử dụng.
"Nếu cơ quan điều tra nhận thấy đủ căn cứ thì có thể khởi tố để điều tra về các hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222”, luật sư Phúc phân tích.
Vị luật sư kiến nghị các cơ quan Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Còn luật sư Mai Quốc Việt cho rằng việc hàng trăm cột điện bị gãy đang được dư luận quan tâm. "Do vậy, người dân cần biết rõ trách nhiệm, nguyên nhân và những sai phạm của đơn vị, tổ chức liên quan cũng như việc xử lý hành vi vi phạm đó như thế nào", ông Việt nói.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, 616 cột điện gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung ngày 18/9. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, 272 cột điện bị gãy.
Từ 20/9, Zing đã thực hiện nhiều bài viết, phỏng vấn chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và ngành điện lực. Hầu hết chuyên gia nghi ngờ chất lượng cột điện có vấn đề nên dẫn đến sự việc vừa qua.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, các đại biểu Quốc hội, HĐND, luật sư và người dân mong muốn cơ quan chức năng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện việc cột điện gãy hàng loạt.
Trả lời Zing tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đơn vị đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình điện.