Ngành dầu khí, ngân hàng trả lương cao nhất
Trong khi nhân viên ngân hàng, dầu khí được trả lương cao nhất, người làm việc trong ngành sản xuất, vận tải, logistics đứng ở cuối bảng trong năm 2012.
Năm 2012, tỷ lệ tăng lương cao hơn so với tỷ lệ lạm phát. Nếu xét tỷ lệ tăng lương theo từng ngành thì ngành sản xuất có tỷ lệ tăng lương cao nhất, trong khi đó ngành tài chính lại có mức tăng lương thấp nhất. Đây là kết quả khảo sát lương tại thị trường Việt Nam năm 2012 vừa được Talentnet thực hiện.
Cuộc khảo sát lương 2012 được thực hiện tại 371 công ty thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và từ 1.381 vị trí của 121.000 nhân viên trong cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2012, tỷ lệ tăng lương tại doanh nghiệp là hơn 13%, cao hơn mức lạm phát dự báo của cả năm là 9,5%.
Ngành dầu khí, ngân hàng trả lương cao nhất, trong khi đó mức thấp nhất thuộc về sản xuất, vận tải và logistic |
Theo bà Hoa Nguyễn, Trưởng bộ phận Khảo sát lương và tư vấn nhân sự theo phương pháp Mercer của Talentnet, kết quả này trái ngược với tình hình tăng lương thấp hơn lạm phát hồi năm ngoái và đây là một tín hiệu đáng mừng cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, theo kết quả của khảo sát này, các tập đoàn đa quốc gia có mức tăng lương bình quân cho nhân viên là 13%, trong khi đó, tỷ lệ này tại các công ty trong nước cao hơn với 13,3%. So sánh sự khác biệt về mức trả lương giữa các ngành nghề trong khối doanh nghiệp nước ngoài, khảo sát đã chỉ ra rằng dầu khí và ngân hàng là hai ngành có tỷ lệ trả lương cao nhất.
Trong khi đó, sản xuất, vận tải và logistics lại là ngành có mức trả lương thấp nhất thị trường. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ tăng lương theo từng ngành thì ngành sản xuất là ngành có tỷ lệ chi trả lương thấp nhất, nhưng lại có tỷ lệ tăng cao nhất ở mức 13,7%; theo sau là ngành dược phẩm và hoá chất với mức tăng tương ứng là 13,5% (hai ngành này tình hình kinh doanh vẫn hoạt động khá ổn định so với nền kinh tế nói chung). Trong khi đó, các ngành tài chính bao gồm quản lý quỹ, tư vấn, tài chính cá nhân có mức tăng lương thấp nhất là 11,3%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mức tăng lương cao nhất là ở cấp lãnh đạo với mức 16,9% so với tỷ lệ này ở các cấp bậc khác là 13,2%, trong khi đối với các công ty nước ngoài, tỷ lệ tăng lương ở các cấp là gần như nhau, nổi trội hơn chút ít ở nhóm lao động phổ thông.
Xét về tỷ lệ nghỉ việc, năm 2011 tỷ lệ nghỉ việc của công ty nước ngoài là 15% thấp hơn so với các công ty trong nước là 18,8% một phần do chế độ lương, bổng phúc lợi của các công ty trong nước thấp so với các công ty nước ngoài nên nhân viên thường có nhu cầu tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, cũng xét về lý do này, trong khoảng nửa đầu năm 2012, một phần vì các công ty trong nước đang muốn dần nâng cao thế cạnh tranh so với nước ngoài nên khoảng cách về tỷ lệ nghỉ việc được rút ngắn, 6,9% ở các công ty nước ngoài và 8,3% ở các công ty trong nước.
Năm 2011 là năm bùng nổ của lĩnh vực công nghệ thông tin nên cả năm 2011 và nửa đầu năm 2012 tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở ngành này là cao nhất, ứng với 19,3% và 18,6%. Tiếp theo là ngành hàng tiêu dùng và các ngành tài chính là 18,6% năm 2011. Trong khi đó, dầu khí và hóa chất là hai ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất ứng với 5,9% và 10,4% do tính chất đặc thù về nhân sự và ổn định của ngành.
Theo dự báo, tình hình kinh tế chưa thể phục hồi nên năm 2013, có 3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ cắt giảm nhân sự và chỉ còn 68% doanh nghiệp quyết định tuyển dụng thêm so với con số 75% của năm 2012. Đại diện Talentnet cho biết, trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, việc kiểm soát quỹ lương thưởng tiết kiệm và hiệu quả cũng là điều các doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, việc đảm bảo công bằng nội bộ và duy trì cạnh tranh với bên ngoài là tiêu chí cho các chính sách lương bổng, phúc lợi của công ty trong việc thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam