Trong tâm thư, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh khủng hoảng về cung cầu thị trường vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng mà người chăn nuôi lẽ ra được hưởng.
Ông cho rằng ngành nông nghiệp có thể giảm dần vai trò, vị trí trong nền kinh tế, nhưng lực lượng nông dân thì còn rất đông. Người nông dân đang ngày càng yếu thế. Vấn đề nông nghiệp không phải chỉ có nông sản mà quan trọng đó là nông dân, nông thôn.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Với số đông người dân tham gia sản xuất nông nghiệp sẽ dễ gặp những hệ lụy về xã hội, kinh tế và môi trường. Hiện nay đã xuất hiện chuyện nông sản không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành, phần thua thiệt này chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất, nhất là nông dân.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, ông Vang kiến nghị 4 vấn đề đến Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng.
Thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phải lựa chọn những khâu mà nông dân không làm được, như giống, vật tư đầu vào và chế biến nông sản, kết nối thị trường.
Riêng khâu nuôi, trồng, sơ chế thì cần tạo điều kiện để người nông dân làm dưới hình thức mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Nội dung này cần được luật hóa trong Luật Chăn nuôi.
Thứ hai, kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm. Phải quyết tâm thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân. Trong đó có không ít các doanh nghiệp trong nước không còn phù hợp để sản xuất được các nông sản chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng người chăn nuôi heo đang chịu thua thiệt lớn. |
Thứ ba, phải giữ và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc.
Theo ông Vang, hiện nay khối lượng mặt hàng này (tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc) là rất lớn, với khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra).
Ông dẫn lại phản ánh của các doanh nghiệp và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt - Trung, là mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Trong đó đặc biệt là với mặt hàng heo thịt.
Thứ tư, hiện phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam.
Trong khi tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam để triển khai mô hình này, vì so với các đối tác trong ASEAN thì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế nhất để thực hiện chương trình hiện đại hóa một số cửa khẩu trong trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Trong đó sẽ chuyển mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạnh sang chính ngạnh nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần tận dụng lợi thế này.