Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành bán lẻ bắt đầu thấm đòn

Cạnh tranh gay gắt, phải giảm giá, khuyến mãi, chấp nhận lỗ để giữ khách, ngành bán lẻ đang bắt đầu khó khăn.

Ngành bán lẻ bắt đầu thấm đòn

Cạnh tranh gay gắt, phải giảm giá, khuyến mãi, chấp nhận lỗ để giữ khách, ngành bán lẻ đang bắt đầu khó khăn.

Nhận định về triển vọng kinh doanh các nhóm ngành năm 2013, tại hội thảo giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP HM, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học ứng dụng cho rằng, bán lẻ dù vẫn là ngành nhiều triển vọng, nhưng không còn nằm trong nhóm có suất sinh lời cao nhất. Ngược lại, thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, ngành bán lẻ đang ở nhóm giảm lợi nhuận.

 Kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ phải chấp nhận lỗ để giữ khách, bằng giảm giá, khuyến mãi.

Lý giải về điều này, theo ông Hiển, ngành bán lẻ thấm đòn sau các ngành khác là do các doanh nghiệp trong ngành này đang trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt để tồn tại. Và trong điều kiện người dân thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp buộc phải kéo khách và giữ khách bằng các chiến lược giảm giá, khuyến mãi, thậm chí chấp nhận lỗ.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam về tình hình thị trường năm 2013 cũng cho rằng, ngành bán lẻ đang rất trầm lắng. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thị trường bán lẻ  năm nay dù vẫn khả quan nhưng tăng trưởng chỉ khoảng 7%, một mức tăng khiêm tốn so với con số 20% của 4 năm liên tiếp trước đó.

Cũng chính vì phát triển trầm lắng nên ngành bán lẻ Việt Nam đã mất ngôi top 10 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, hiện chỉ xếp thứ 32. Nguyên nhân dân đến sự sụt giảm này, theo lý giải của các chuyên gia là do suốt 5 năm qua kinh tế không ổn định, sức mua cạn kiệt, doanh số, quy mô đầu tư vào bán lẻ giảm. 

Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ có tới 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang xoay sở rất khó khăn, “yếu thế” hơn hẳn so với các doanh nghiệp nước ngoài, khâu trung gian nhiều cũng là yếu tố quan trọng đẩy chi phí lên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương lại có “cảm tình” hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài". Một số nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cho rằng, giá bất động sản cao so với khu vực và lãi suất tín dụng cao đang là rào cản lớn.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế rất lạc quan dự đoán sẽ có cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ thế giới vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên đến nay trên thực tế cuộc đổ bộ đó vẫn chỉ là giả thuyết.

Tuy ngành bán lẻ không lạc quan, nhưng nguyên cứu của chuyên gia Đinh Thế Hiển cho thấy nền kinh tế đang hồi phục. Bằng chứng là có đến 80% doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, có lời trong 6 tháng đầu năm. Các ngành có triển vọng và sinh lời cao nhất trong thời gian tới là cao su, nhựa, dược phẩm y tế. Nhóm ngành phát triển ở mức trung bình là du lịch, thép, công nghệ thông tin, truyền thông, bán lẻ. Riêng xây dựng, bất động sản và thủy sản tiếp tục nằm ở nhóm các ngành có lợi nhuận thấp nhất.

Tại hội thảo, ông Trần Du Lịch - Uỷ viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng  năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách. Ông Trần Du Lịch chỉ ra các mối đe dọa là nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường khi nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết. Nợ xấu chưa cải thiện nên tín dụng vẫn bị tắt nghẽn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khó khăn, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

H.Linh

Theo infonet

H.Linh

Theo infonet

Bạn có thể quan tâm