Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân Thương: 'Tôi sợ cả ai đó nhìn mình lâu'

Phải rời Olympic Bắc Kinh vì “dính” doping, thất vọng, lo sợ và cảm giác có lỗi là áp lực đè nặng cô bạn 19 tuổi trong những ngày vừa qua…

Ngân Thương: "Tôi sợ cả ai đó nhìn mình lâu"

Phải rời Olympic Bắc Kinh vì “dính” doping, thất vọng, lo sợ và cảm giác có lỗi là áp lực đè nặng cô bạn 19 tuổi trong những ngày vừa qua…

Ngân Thương: `Tôi sợ cả ai đó nhìn mình lâu`

Gặp Ngân Thương trong Sài Gòn khi cô bạn đi cùng đội tuyển Hà Nội vào thi đấu giải mở rộng. Ngân Thương đã đỡ buồn hơn so với mấy hôm trước. Nhưng phải thuyết phục mãi, bạn ấy mới chịu ra ngoài đi dạo một chút, dù đây là lần đầu tiên Ngân Thương vào Sài Gòn.

Đáng lẽ, Thương sẽ tập luyện và thi đấu bình thường như kế hoạch từ trước. Nhưng vì sự cố lần này và phải chờ kết luận của Ủy ban Olympic quốc tế, Thương sẽ dừng thi đấu tất cả các giải trong thời gian này.

5 tuổi xa nhà, 14 tuổi trở thành “hiện tượng”

5 tuổi, tôi được mẹ cho sang sân Quần Ngựa tập thể dục vì hồi đó tôi còi quá. Cô giáo nói là tôi có năng khiếu. Tập được 1 năm. cũng vừa lúc có một đợt tuyển vận động viên, tôi đuợc chọn để sang Trung Quốc tập huấn.

6 tuổi, tôi rời xa nhà, xa bố mẹ. Bố mẹ kể lại, lúc ở sân bay, bố mẹ khóc, còn tôi cười toe toét, chạy ù vào trong. Tôi đến với môn thể dục dụng cụ như thế.

Tôi ở đó 6 tháng, 8 tháng, 1 năm, rồi có khi cả 3 năm ở liền bên đó, không được về nhà. Cứ thế, 11 năm trời tôi học đằng đẵng bên Trung Quốc, tới năm 2006 tôi mới được về hẳn. Tôi lạ lẫm với ở nhà đến nỗi, tôi không nhớ nổi địa chỉ nhà.

Đỗ Thị Ngân Thương

Sinh năm 1989

Huy chương vàng Thể dục dụng cụ tại 3 kì Seagames liên tiếp 22, 23, 24.

Vận động viên thể dục duy nhất của Việt Nam được đặc cách tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.

năm 2003, Seagames 22 tổ chức tại Việt Nam, tôi đạt HCV. Khi đó, tôi mới 14 tuổi. Người ta coi tôi là hiện tượng, vì trước đó, ấn tượng về môn này hầu như là con số 0. Seagames 2 kì tiếp theo, tôi vẫn đạt Vàng.

Mọi người yêu mến và nói nhiều về thành tích của tôi, mọi người gọi tôi là búp bê, luôn tin tưởng tôi trước mỗi giải thi đấu. Tưởng chừng, tôi không thể hạnh phúc hơn thế.

Năm nay, sau vòng loại, tôi là vận động viên duy nhất của Việt Nam được đặc cách tham gia Olympic môn thể dục dụng cụ. Tôi mới 19 tuổi. Tôi sang Bắc Kinh trong tâm lí thoải mái, mọi người trong đoàn đều rất chiều vì tôi là thành viên gần nhỏ nhất đoàn.

"…19 tuổi, tôi ngã cú rất đau, hoàn toàn do lỗi của mình"

Gần đây tôi cảm thấy hơi bị mập lên. Tôi nghe mọi người nói, thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm cân. Tôi muốn có một vóc dáng chuẩn nhất khi đi thi. Thế là tôi mua thuốc về uống. Ngày thứ 3 tuần sau bay sang Bắc Kinh thì thứ 6 tuần trước đó tôi uống. Đáng ra chỉ uống 2 viên/liều theo chỉ định thì tôi uống liền mấy viên. Tôi nghĩ rất ngu ngốc, nó là thuốc lợi tiểu, uống nhiều thì cơ thể tôi sẽ gầy đi.

Ngày mùng 10/8, buổi sáng thi đấu xong thì đến buổi chiều tôi được thông báo theo bốc thăm, tôi sẽ là người được kiểm tra doping. Chuyện đó với tôi là một thủ tục bình thường, như rất nhiều giải đấu trước đó nên tôi không mảy may suy nghĩ.

Ngày 13, buổi chiều tôi cùng các bạn trong đội đi chơi Vạn Lý Trường Thành. Chúng tôi chơi rất vui. Về đến nơi ở của đoàn thì bác Giang (ông Hoàng Vĩnh Giang, trưởng đoàn Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh) gọi tôi sang phòng nói kết quả kiểm tra doping của tôi là dương tính. Nghĩa là tôi đã sử dụng doping.

Tôi choáng váng. Không thể tin nổi vào tai mình. Tôi không thể hiểu tại sao lại có kết quả kiểm tra như thế. Bác Giang nói họ vẫn đang kiểm tra rồi sẽ có kết quả chính thức sau. Tôi ngồi thần người ra. Bàng hoàng, lo sợ. Tôi biết với một VĐV mà bị kết luận dùng doping thì sẽ là như thế nào. Nhất là ở một kì thế vận hội. Tôi chỉ còn biết về phòng và nằm vật ra khóc.

Ngày 15, có thông báo chính thức, kết luận về việc tôi “dính” doping. Bố mẹ ở nhà qua báo chí và các thầy cô thông báo nên cũng biết chuyện. Gọi điện sang an ủi tôi để tôi bình tĩnh lại. Mọi người trong đoàn cũng ở bên, động viên tôi nhiều lắm. Cuối cùng thì tôi cũng biết là tại mình dùng thuốc lợi tiểu. Vậy thì còn biết trách ai.

Tất nhiên là với kết quả đó, tôi phải rời Olympic ngay chiều hôm đó. Phải chờ đến sau khi bế mạc, Ủy ban Olympic quốc tế mới làm việc và có kết luận cuối cùng. Tôi không biết là liệu mình có bị cấm thi đấu không nên lại càng hoang mang.

Bác Giang động viên tôi bình tĩnh, cứ về Việt Nam trước, bác ở lại xem tình hình thế nào. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần là báo chí hay dư luận ở nhà sẽ xem tôi là kẻ tội lỗi, làm ảnh hưởng đến danh dự tổ quốc. Tôi sợ lắm.

Nhưng lúc tôi xuống sân bay, mọi thứ không tồi tệ đến mức như tôi nghĩ. Đúng là có rất nhiều phóng viên ở đó. Nhưng các anh chị đều hỏi han tôi rất thiện ý. Có người còn ôm vai an ủi tôi là không sao đâu, đó chỉ là sự cố thôi. Nhưng tôi mệt mỏi, kiệt sức và vẫn còn sợ hãi. Tôi không biết phải nói gì. Tôi ngã vào vòng tay mẹ.

"Chỉ cầu mong tôi không bị cấm thi đấu"

Những ngày sau đó, đối với tôi là quãng thời gian khủng khiếp. Tôi ở lì trong nhà, không dám đi đâu. Tôi sợ ra đường, mọi người sẽ nhìn và nhận ra tôi, họ sẽ quay ra bảo nhau “Nó dùng doping đấy”. Cho dù không ai nghĩ gì, nhưng tôi cứ tưởng tượng ra như thế và tôi lo sợ. Thậm chí đến giờ, khi đã bình tĩnh hơn, ra đường mà có ai nhìn mình lâu lâu, tôi vẫn thấy sợ hãi.

Tôi còn mang cái cảm giác, tôi làm ảnh hưởng đến danh dự của đất nước. Nhất là khi tôi đọc được một bài báo, sự kiện anh Tuấn đạt HCB cử tạ sẽ là niềm vui trọn vẹn nếu như không có vụ tôi “dính” doping. Trước đó, tất cả đều yêu quý, đều dành niềm tin cho tôi. Hẳn bây giờ mọi nguời sẽ thất vọng lắm khi biết tôi dính doping. Tôi không còn dám xem hay nghe bất cứ thông tin gì về Olympic nữa. Nó như là một nỗi ám ảnh với tôi. Bố mẹ cũng bảo tôi là đừng xem gì cả, để thời gian mà nghỉ ngơi.

Và điều sợ hãi nhất, là tôi có thể bị cấm thi đấu 1 năm. Trước mắt là giải mở rộng trong TP. HCM, tôi đã không được tham gia. Một giải quốc tế tại Doha, Hàn Quốc tháng 11 có lẽ tôi cũng sẽ không được dự. Tôi không thể tưởng tượng ra là có một lúc nào đó, tôi lại đứng trước cái án phạt trong thời gian dài thế này. Rất nhiều cơ hội sẽ trôi qua. Và nếu suốt một năm sau đó vẫn sẽ như thế… liệu tôi còn giữ được phong độ.

Tôi vào Sài Gòn từ ngày 20, các bạn tập luyện để thi đấu, tôi cũng chỉ đi theo để xem. Tôi không dám xuống tập luyện, sợ là làm vướng víu mọi người. Bố mẹ vẫn gọi điện hàng ngày để xem tôi đã khá hơn chưa.

Tinh thần tôi đã khá hơn, thật sự một phần rất lớn là nhờ bố mẹ và mọi người đều thương tôi nhiều lắm. Nhưng có lẽ rất lâu nữa, tôi mới có thể thực sự quên đi sự cố này. Nó là bài học rất đắt đối với tôi. Mỗi lần vấp ngã là để trưởng thành hơn. Tôi ngã một cú rất đau, mà là tại tôi hoàn toàn. Để lớn hơn, để biết học cho mình những điều cần thiết.

Nhưng tôi vẫn hi vọng, kết luận cuối cùng sẽ của Ủy ban Olympic sẽ không phải là trường hợp xấu nhất…

Theo Kênh 14

Theo Kênh 14

Bạn có thể quan tâm