Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân sách vay 12 tỷ USD/năm để trả nợ gốc, bù bội chi

Quốc hội quyết tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2017 là gần 284.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ gốc.

Chiều 11/6, với 443/448 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1,68 triệu tỷ, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính. 

ngan sach Nha nuoc anh 1
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Ảnh: Hoài Vũ.

 Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1,68 triệu tỷ, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Số bội chi ngân sách Nhà nước là gần 137.000 tỷ, bằng 2,74% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Trung ương gồm vay trong nước hơn 70.000 tỷ, vay ngoài nước gần 67.000 tỷ.

Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là gần 284.000 tỷ (khoảng 12 tỷ USD).

ngan sach Nha nuoc anh 2
Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là gần 284.000 tỷ (khoảng 12 tỷ USD). Ảnh: Minh Quân.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Trong việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2017, một số ý kiến cho rằng chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, tỷ trọng các khoản thu từ đất đai, dầu thô và tài nguyên còn lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về tổng thể, tỷ trọng thu nội địa chiếm 80,3% tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng so với 2 năm liền kề và cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (68%). Thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào thu dầu thô, xuất nhập khẩu nhưng cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra, thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so với dự toán.

Có ý kiến cho rằng nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi. Tình trạng lập và giao dự toán chi đầu tư còn chậm, giao chưa đúng đối tượng, nhiều bộ, ngành trung ương giải ngân vốn đầu tư chậm.

Theo ông Hải, dù đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, điều hành thực hiện dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2017, kết quả thực hiện vẫn còn một số bất cập nhưng nhiệm vụ chi quan trọng không đạt dự toán, phải chuyển nguồn sang năm sau; chi đầu tư còn tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

“Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và là một trong những biểu hiện của lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, nhiều nhiệm vụ chi cần thiết khác chưa được bố trí đủ nguồn”, ông Hải trình bày.

Từ đó, đề nghị Chính phủ sát sao hơn để khắc phục triệt để tình trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

'Việt Nam vay hàng tỷ USD trong khi vàng và ngoại tệ của dân rất lớn'

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nhận định chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ được chia làm 2 giai đoạn, với sự khác biệt rõ rệt.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm