Theo ông Trần Ngọc Đông Quân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM, ngày hội du lịch TP năm nay có 150 gian hàng từ các doanh nghiệp du lịch và 50 tỉnh, TP, trong đó mỗi doanh nghiệp và địa phương tự giới thiệu, quảng bá và chào bán sản phẩm với mức giá ưu đãi.
Doanh nghiệp, địa phương cùng kích cầu
Điểm nhấn của ngày hội là các chùm tour khám phá TP.HCM và chùm tour liên kết kích cầu du lịch đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ. Lần đầu tiên, TP.HCM triển khai gian hàng chung cùng các khu vực này để giới thiệu các tour du lịch liên vùng.
Dự kiến, Công ty lữ hành Saigontourist giảm 12-30% các chùm tour và combo du lịch nội địa, trong khi Vietravel giới thiệu 2 tour mới đến vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương - Bình Phước và Bình Dương - Tây Ninh. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đưa ra ưu đãi giảm hơn 40% giá tour, như Đất Việt, Vietravel, Lửa Việt, Saco...
Theo ông Nguyễn Ngọc Tấn - Tổng giám đốc Công ty vận chuyển và du lịch Saco, những mức khuyến mại này có được là nhờ sự liên kết với các điểm đến và cơ sở lưu trú. "Mỗi bên giảm một ít thì du khách được hưởng lợi mà doanh nghiệp cũng không đến mức lỗ", ông nói.
Người dân tham quan tại Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2019. Ảnh: VT. |
Mặc dù có nhiều ưu đãi lớn, song theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, giá cả không phải tiêu chí chính của chương trình. Ba yếu tố được đặt lên hàng đầu đối với các sản phẩm du lịch là sự an toàn, chất lượng nhằm khẳng định uy tín của du lịch nội địa, và sự liên kết giữa các khối doanh nghiệp để có chính sách hấp dẫn, bỏ qua khâu trung gian nhằm mang đến mức giá hợp lý cho người dân.
Ở phân khúc lưu trú, nhiều khách sạn 5 sao trên địa bàn TP như Majestic, Nikko, Sofitel, Le Meridien, Liberty, Tân Sơn Nhất... cũng tiến hành giảm giá phòng đến 60% và cung cấp một số trải nghiệm mới như khám phá khách sạn cổ, lớp học nấu ăn, cách dùng dao nĩa, bố trí bàn tiệc...
Đồng thời, ngày hội du lịch TP.HCM năm nay ghi nhận sự tham gia vượt trội của các địa phương. Có 50 tỉnh, TP tham gia đặt gian hàng quảng bá du lịch. Trong đó, Quảng Ninh, Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình và khu vực ĐBSCL chủ động tổ chức hội thảo giới thiệu điểm đến trong khuôn khổ chương trình.
Đặc biệt, ngày hội du lịch năm nay kết hợp với Liên hoan ẩm thực món ngon các nước, quy tụ gần 50 gian hàng ẩm thực trong và ngoài nước.
Với sự vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng và doanh nghiệp, Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng đón khoảng 200.000 lượt khách tham dự ngày hội năm nay.
"Chặn dòng chảy phá sản"
Chia sẻ về những mong muốn thông qua ngày hội du lịch này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng đây là cơ hội để quảng bá và kích cầu du lịch TP trong dịp hè sắp tới.
Nhưng hơn cả, ông kỳ vọng có thể "chặn dòng chảy phá sản" của doanh nghiệp du lịch, giúp họ có nguồn thu để nuôi người lao động. "Du lịch hiện rất khó khăn. Nói là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng có doanh thu đâu mà giảm", ông bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng khẳng định, các doanh nghiệp tham gia chương trình này là "để tồn tại".
Ngày hội du lịch và các chương trình kích cầu được kỳ vọng sẽ "chặn dòng chảy phá sản" của doanh nghiệp du lịch. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, doanh nghiệp du lịch được cho là rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi lượng khách sụt giảm, phải tung ưu đãi để kích cầu, nhưng thiếu hụt nguồn vốn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết đã gửi Ngân hàng Nhà nước danh sách 50 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần hỗ trợ. Đến nay, 14 doanh nghiệp đã nhận được gói hỗ trợ, còn lại đang được xem xét. Tuy nhiên, bà đánh giá lãi suất cho vay còn cao so với chính sách ưu đãi được đưa ra.
Cụ thể, chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Ngọc Tấn cho biết ngành du lịch hiện được các ngân hàng xếp vào nhóm rủi ro cao, do đó khó tiếp cận vốn. "Xét trên góc độ kinh doanh, ngân hàng làm vậy là đúng. Doanh nghiệp nào có năng lực và tài sản đảm bảo mới có khả năng vay vốn tốt hơn", Tổng giám đốc Saco chia sẻ.
Chính tại doanh nghiệp của ông, sau thiệt hại kép vì kinh doanh du lịch và vận tải, Saco được khoanh nợ một số khoản vay. Tuy nhiên, hiện đã sắp hết thời hạn 3 tháng, doanh nghiệp đang xoay xở để trả ngân hàng.
Trước thực tế này, Sở Du lịch TP.HCM cho rằng cần có một chính sách hỗ trợ tài khóa linh hoạt hơn và đi sâu vào từng ngành nghề, từng đối tượng doanh nghiệp.
Du lịch TP.HCM mang về 3.882 tỷ đồng trong tháng 6, giảm 65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực khi tháng 4 và tháng 5 chỉ ghi nhận lần lượt 1.760 tỷ đồng và 2.866 tỷ đồng doanh thu.
Trong đó, các cơ sở lưu trú 4-5 sao, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khách quốc tế, nay đã đạt công suất 40% ở nội thành và 30% ở ngoại thành. Một số địa điểm ghi nhận công suất đến 50%.
Sở Du lịch TP.HCM đánh giá, thị trường du lịch đã bắt đầu "ấm" lại, chứng tỏ hiệu ứng tích cực từ chương trình kích cầu du lịch nội địa TP được phát động từ ngày 9/6 vừa qua.