Dồn dập báo lãi
Giữa tháng 8, các ngân hàng đồng loạt công bố báo cáo tài chính với những khoản lãi lên tới cả trăm tỷ, ngàn tỷ. Trong đó, Vietinbank và SouthernBank gây ấn tượng khi lợi nhuận tăng lần lượt tới 3,5 lần và 5 lần.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Vietinbank trong quý 2 cùng tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 2.826 tỷ đồng và 2.129 tỷ; lũy kế 6 tháng, tăng gấp rưỡi, lần lượt đạt 4.195 tỷ và 3.171 tỷ đồng.
SouthernBank đạt lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 135 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng lãi 227,8 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng 8,9% lên 116,6 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng 189,3 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Dù tín dụng đầu năm "èo uột", nhưng các ngân hàng tiếp vẫn tục báo lãi trăm, ngàn tỷ đồng. |
Bên cạnh Vietinbank và SouthernBank, Sacombank cũng có con số lợi nhuận rất ấn tượng. Quý 2, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 624 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế là 473,3 tỷ đồng, tăng 29,9%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.517 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.149 tỷ đồng giảm 2,1%.
Báo cáo tài chính của ông lớn Vietcombank cũng gây được chú ý khi Vietcombank tiếp tục công bố lợi nhuận ngàn tỷ đồng. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Vietcombank lần lượt đạt 2.603 tỷ và 1.984 tỷ đồng.
SHB là một trong các ngân hàng có kết quả kinh doanh khiêm tốn nhất khi lợi nhuận sau thuế quý 2 chỉ đạt 141,2 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 304,2 tỷ đồng.
Trong quý 2, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 366 tỷ đồng và 6 tháng là 755,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 2 và 6 tháng đầu năm đạt và 726 tỷ đồng 1.349 tỷ đồng.
Lợi nhuận của ACB cũng xuống dốc. Lợi nhuận sau thuế quý 2 là 409 tỷ đồng và 6 tháng đạt 716 tỷ, giảm lần lượt 44,2% và 55,4% so với cùng kỳ năm 2012. Ngân hàng cho biết, khoản lợi nhuận này giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần thấp khi phần tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm mạnh làm giảm phần lãi.
Đằng sau những con số
Về số tuyệt đối, có thể thấy, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tương đối lớn, đạt hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng sau thuế. Tuy nhiên, các con số này chưa hẳn đã là tín hiệu đáng mừng vì hầu hết các ngân hàng này đều rơi vào tình trạng hoặc lợi nhuận suy giảm, hoặc lợi nhuận tăng nhưng nợ xấu cao và dự phòng rủi ro thấp.
Lợi nhuận của Vietinbank tăng mạnh nhưng theo thuyết minh báo cáo, ngân hàng này có tổng cộng 7.027 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm 30/6, chiếm 2,1% tổng dư nợ, tăng mạnh so với con số 4.890 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 và tỷ lệ nợ xấu 1,46% khi đó. Trong cơ cấu nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 90%, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 66% so với đầu năm và chiếm xấp xỉ một nửa tổng nợ xấu.
Nợ xấu vẫn ám ảnh ngân hàng. |
Lợi nhuận của SouthernBank tăng gấp 5 lần nhưng ngân hàng này có hoạt động kinh doanh khá yếu khi hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần; hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác của ngân hàng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm đều âm so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động yếu kém khiến thu nhập lãi thuần của SouthernBank quý 2 năm nay lỗ 140 tỷ đồng và 6 tháng lỗ 22,7 tỷ đồng. SouthernBank ghi nhận lãi khủng nhờ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Chứng khoán mang lại cho SouthernBank khoản lãi ấn tượng 531,6 tỷ đồng. Khoản lãi này đã giúp SouthernBank thoát khỏi thua lỗ. Dù công bố lợi nhuận lên tới cả trăm, ngàn tỷ nhưng các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt.
Còn Sacombank có tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ tăng trưởng này có được là ngân hàng này giảm cực mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Dự phòng rủi ro quý 2 của Sacombank chỉ là 41,7 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 332,9 tỷ đồng năm ngoái.
Trong khi đó, dù lãi cả ngàn tỷ đồng thì Vietcombank vẫn có thời kỳ hoạt động kém hiệu quả khi lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 3,2% và sau thuế giảm 10,8%. Điều đáng nói, lợi nhuận suy giảm dù dự phòng rủi ro được điều chỉnh giảm 7,7%.
Không chỉ có vậy, nợ xấu của Vietcombank tăng cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối. Theo thuyết minh báo cáo, Vietcombank có tổng cộng 6.687 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,81% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Cuối năm 2012, ngân hàng chỉ có 5.791 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2,4%.Lợi nhuận SHB giảm hơn 30% vì ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro tới 128 tỷ đồng. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê khẳng định, chính dự phòng rủi ro tăng thêm bởi các món vay quá hạn được sáp nhập từ Habubank là lý do khiến cho lợi nhuận quý 2 giảm sâu như vậy.
Eximbank cũng là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Trong quý 2, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 366 tỷ đồng và 6 tháng là 755,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 57,2% và 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 289,3 tỷ đồng, giảm 54,8%, lũy kế 6 tháng là 581,2 tỷ đồng, giảm 58,8%. Tổng tài sản của ngân hàng này “bốc hơi” gần 14.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận của ACB giảm mạnh dù phần trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng giảm mạnh, trong đó quý 2 giảm gần 70% và 6 tháng giảm 14,5%. Nợ có khả năng mất vốn của ACB tăng gấp rưỡi.
Có thể thấy, dù công bố lợi nhuận lên tới cả trăm, ngàn tỷ nhưng các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt.