Việc mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á thể hiện tư thế chủ động trong tiến trình hội nhập của các thương hiệu ngân hàng Việt Nam.
Xu hướng đầu tư hiện đại
Năm 2008, thị trường tiên phong của các ngân hàng trong nước là Lào. Tiến dần ra các quốc gia khác, hiện nay, ngân hàng Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Theo các chuyên gia, việc mở rộng mạng lưới này nằm trong chiến lược kinh doanh, nhằm tăng sự hiện diện, tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng là các doanh nghiệp Việt ở nước sở tại. Đây cũng là cơ hội giúp các ngân hàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, phân tán rủi ro và học hỏi kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.
Các nước Đông Nam Á là thị trường được đánh giá cao bởi có đường biên giới cận biên, giao thương phi mậu dịch lớn với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp các nước. Nơi đây có nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, sự hiện diện của các ngân hàng này sẽ phục vụ hoạt động liên quan tới vốn, phương tiện thanh toán, kinh doanh ngoại tệ…
Tuy nhiên, để được mở chi nhánh và văn phòng tại nước ngoài, các ngân hàng Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại. Đầu tiên, các ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính. Tiếp theo là hệ thống pháp lý, bên cạnh những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, yếu tố cạnh tranh nội tại.
Thị trường hấp dẫn Myanmar
Myanmar là môi trường kinh doanh hấp dẫn và được dự đoán là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong trung hạn. Tiến sĩ Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, trường ĐH Kinh tế TP HCM nhận xét: “Chúng ta hình dung Myanmar giống như các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam thời kỳ bùng nổ đầu tư, là môi trường hấp dẫn vốn ngoại. Đây là giai đoạn tăng trưởng của Myanmar, các doanh nghiệp và ngân hàng có thể tận dụng để phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh”.
Năm 2010, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị đầu tiên mở chi nhánh tại Myanmar. Trong 6 năm qua, BIDV đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Myanmar trên cả 3 lĩnh vực là đầu tư, thương mại và du lịch. Về đầu tư, đến năm 2015, Việt Nam có 73 doanh nghiệp có mặt tại thị trường Myanmar, trong đó có 10 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn FDI là 691,6 triệu USD. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Trong giai đoạn 2010-2015, quan hệ thương mại 2 nước tăng trưởng bình quân 25%/năm. Du lịch cũng là lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ, với tổng lượng du khách tăng trưởng bình quân 15%/năm trong giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây.
Lễ trao giấy phép chính thức thành lập chi nhánh BIDV tại Myanmar. |
Sự kiện tiến vào thị trường Myanmar đã đánh dấu việc BIDV chính thức tham gia sâu rộng vào hệ thống ngân hàng quốc tế. Đây cũng là chiến lược của BIDV nhằm đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển tại các địa bàn trọng điểm trong khu vực.
Ngày 30/6, tại thủ đô Naypyitaw, Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) đã tổ chức lễ trao giấy phép chính thức cho BIDV thành lập chi nhánh hoạt động tại thị trường Myanmar. Chi nhánh này đã đi vào hoạt động từ ngày 1/7 và sẽ được tổ chức lễ khai trương vào thời gian 31/7. Tại đây, BIDV cung cấp nhiều dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân như chuyển tiền nhanh trong ngày, cho vay tại Myanmar với tài sản đảm bảo Việt Nam, thanh toán lương cho người thụ hưởng tại Việt Nam, thu hộ các giao dịch Việt Nam - Myanmar…