Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hơn 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đã đồng thuận giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi đó, với cơ quan quản lý, NHNN vẫn giữ chủ trương cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tính từ 23/1 đến 28/3, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với tổng dư nợ 13.500 tỷ đồng. Ngoài ra, số dư nợ hiện hữu đang được xem xét miễn giảm lãi suất cũng là trên 91.000 tỷ đồng của gần 36.000 khách hàng.
Trong đó, nhóm khách hàng được miễn, giảm lãi vay hiện hữu chủ yếu ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tại, giáo dục...
Mới đây, VIB cũng đã giảm 0,5-2% lãi suất trong thời hạn 6 tháng (từ 1/4 đến 1/10) cho khoảng 9.500 khách hàng với 10.000 tỷ đồng dư nợ. Trong đó, tất cả khách hàng doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực kinh tế có dư nợ vay trung dài hạn bằng tiền VND (trừ trái phiếu), lãi suất hiện hữu từ 9,5%/năm đều được nhà băng này tự động giảm lãi.
Cũng tung gói giảm lãi suất với xấp xỉ 30.000 tỷ đồng dư nợ được hưởng, BIDV cho biết sẽ giảm lãi suất 0,5-1,5%/năm cho cả khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi không bị chuyển thành nợ xấu. Từ đó, cá nhân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất tốt hơn, giảm chi phí vốn vay do không có lịch sử tín dụng xấu, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ lưu trú, du lịch, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Lượng. |
Theo đại diện Vietinbank, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ngân hàng này đã giảm 0,5% đến 1,5% lãi suất cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân 60.000 tỷ. Ngoài ra, nhà băng này cũng cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết ngoài gói tín dụng vay mới 12.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5-2,5%, nhà băng này đã rà soát và đánh giá tình hình kinh doanh của từng khách hàng để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Nhà băng này đã xem xét giảm lãi suất với các doanh nghiệp, cá nhân đang có hợp đồng tín dụng với mức giảm 0,5-1% so với hợp đồng. Ước tính, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi nói trên khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu bằng cả VND và USD của cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, mức giảm lãi dao động từ 0,5-1% tùy thời hạn.
“Trong quá trình triển khai, Vietcombank đã giao thẩm quyền giảm lãi suất cho chi nhánh để chủ động, linh hoạt hỗ trợ lãi suất cho khách hàng”, ông Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thừa nhận, nếu xét theo mức quy mô dư nợ được giảm lãi của Vietcombank, dự kiến ngân hàng sẽ giảm mức thu nhập xấp xỉ 300 tỷ đồng.
“Con số giảm lợi nhuận bao nhiêu thì cần phải bộ phận chuyên môn tính toán kỹ lưỡng mới có thể ra được. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất với các khoản dư nợ hiện hữu thì không thể tránh khỏi việc giảm thu nhập kế hoạch”, đại diện một ngân hàng thương mại lớn (đề nghị giấu tên) chia sẻ.
Vị này cũng cho biết, bản thân NHNN cũng lường trước được vấn đề này nên trong Chỉ thị số 02 đã yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông.
Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hầu hết ngân hàng đều phải giảm lãi suất. Dù là bên cho vay nhưng nếu doanh nghiệp, người dân vay vốn gặp khó khăn không thể trả nợ, ngân hàng khi đó sẽ là bên trực tiếp chịu ảnh hưởng.
"Nhìn theo góc tích cực, việc giảm lãi suất của các ngân hàng tốt cho cả hai bên cho vay và đi vay. Dù có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh nhưng đây là xu hướng chung nên sẽ không có ngân hàng nào bị ảnh hưởng nặng hay nhẹ", vị đại diện nói.