Theo South China Morning Post, Chủ tịch WB David Malpass nhận định hiện tượng hàng loạt quốc gia châu Phi và một số nền kinh tế mới nổi chìm sâu trong nợ nần là hậu quả của việc nhiều ngân hàng chính phủ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các nhà băng Trung Quốc với nguồn vốn dồi dào.
"Các tổ chức này cho vay ồ ạt nhưng không tham gia vào các tiến trình tái cơ cấu nợ vốn được triển khai để làm dịu gánh nợ cũ ở các nước nghèo", ông Malpass, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhấn mạnh.
Hồi tháng 4, các nước G20 khởi động Sáng kiến Hoãn nợ (DSSI) để hỗ trợ 73 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu ở khu vực châu Phi và một số tại châu Á lao đao vì đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, có 43 quốc gia đã nhận được khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để ứng phó với đại dịch trong các lĩnh vực xã hội, y tế và kinh tế. Nhóm các quốc gia giàu có nhất thế giới G7 đã ủng hộ việc mở rộng sáng kiến xóa nợ này.
Kenya đang nợ đầm đìa vì vay vốn Trung Quốc xây đường sắt. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy vậy, chủ tịch WB cho biết còn rất nhiều chủ nợ - đặc biệt là Trung Quốc - không tham gia vào sáng kiến này, khiến tác động của việc giãn nợ quá thấp không thể xóa nhòa sự bất bình đẳng tài chính giữa các quốc gia.
Ông Malpass tuyên bố: “Với tình hình nghiêm trọng của đại dịch, tôi tin rằng chúng ta cần khẩn cấp hành động để xóa các khoản nợ lớn cho những quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính".
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của hầu hết nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Khoảng 70% tổng nợ của các quốc gia nghèo tham gia vào sáng kiến DSSI từ tháng 5 đến tháng 12 là tiền vay từ Trung Quốc.
Mới đây, chính quyền Kenya tuyên bố muốn đàm phán với Trung Quốc về việc giãn nợ. Nước này vay 3,2 tỷ USD từ Trung Quốc để xây tuyến đường sắt 4,7 tỷ USD từ Mombasa đến Naivasha. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay tuyến đường sắt này kinh doanh thua lỗ.