Ngân hàng 'sợ' lãi lớn
Doanh nghiệp có lợi nhuận cao, hoạt động hiệu quả đều mong muốn thông tin tới công chúng. Thế nhưng, trên thị trường Việt Nam lại có chuyện ngược đời: ngân hàng sợ công bố lãi lớn.
>> Ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ dù tín dụng tăng trưởng âm
>> Phía sau con số 'gây sốc' từ Thống đốc ngân hàng
>> Lợi nhuận công bố của các ngân hàng chưa chính xác
Các ngân hàng nhận ra sự lãi lớn của mình lạc lõng trên thị trường, nên im hơi kín tiếng về các con số lợi nhuận. |
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước còn ra hẳn một văn bản để “thanh minh” hộ các ngân hàng rằng, đây là một trong những nhóm doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả hoạt động thấp nhất trên thị trường tính theo chỉ số ROE và ROA. So với các ngân hàng khu vực Đông Nam Á, ngân hàng Việt Nam hoạt động kém hiệu quả hơn, rồi số liệu thống kê về lợi nhuận là chưa đầy đủ và chỉ một số ngân hàng lớn lãi to.
Việc ngại công bố lãi của các ngân hàng không phải bây giờ mới diễn ra. Từ hơn 1 năm trước, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao, các ngân hàng đã sớm nhận ra sự lãi lớn của mình lạc lõng trên thị trường, nên im hơi kín tiếng về các con số lợi nhuận.
Nhưng dù có kín tiếng đến đâu, thị trường cũng nhận thấy chính sách ở nhiều thời điểm đã dành sự ưu ái cho các ngân hàng, nhất là nhà băng lớn. Lãi suất cho vay giữa các ngân hàng có thời điểm tới 30-32%/năm, trong khi lãi suất họ huy động chỉ 15-16%/năm, những khoản tiền gửi của tổ chức quốc doanh còn có lãi suất thấp hơn.
Thực tế, ngân hàng thường chỉ phải chịu những khó khăn của nền kinh tế sau các doanh nghiệp, bởi ít nhất, khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì nợ ngân hàng là một trong những khoản được ưu tiên thanh toán. Rủi ro nợ xấu của ngân hàng là do các doanh nghiệp không thể trả nợ, nghĩa là doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng mới mất tiền. Ngoài ra, do tính chất nhạy cảm đặc thù của ngành ngân hàng, nên các ngân hàng thường được ưu tiên cứu hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Điều này phần nào khiến các ngân hàng thường trì hoãn việc chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, được biểu hiện bằng việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay chậm hơn hạ lãi suất huy động, tất nhiên là trong trường hợp thanh khoản ngân hàng đã bảo đảm.
Ngoài những lợi thế sẵn có trên, bản thân các ngân hàng cũng nỗ lực triển khai các dịch vụ khác ngoài nghiệp vụ nhận gửi - cho vay nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và tăng sự ổn định. Các dịch vụ, sản phẩm mới có thể kể đến như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại, dịch vụ gửi giữ, kinh doanh ngoại hối... Những dịch vụ mới vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa góp phần tăng lợi nhuận cho các ngân hàng, thể hiện qua việc tổng thu dịch vụ năm 2011 toàn hệ thống đã tăng 15% so với năm 2010.
Cũng do tính chất nhạy cảm của hoạt động ngân hàng, nên vốn pháp định thuộc diện cao trong nền kinh tế. Bản thân các ngân hàng cũng cần vốn lớn để có thể hoạt động chuyên nghiệp và cạnh tranh trong lĩnh vực của mình. Vì lẽ đó, nói ROE, ROA của các ngân hàng thấp cũng không sai.
Tổng giám đốc một ngân hàng tâm sự rằng, cứ nhìn vào con số lợi nhuận tuyệt đối để đánh giá ngân hàng lãi lớn là không công bằng và tình cảnh của họ hiện đang là “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”.
Dẫu vậy, ngân hàng có thanh minh cỡ nào chăng nữa, cái tiếng kiếm lợi lớn trên lưng doanh nghiệp và sự lạnh lùng của các nhà băng vẫn khiến thị trường khó có cái nhìn thiện cảm mỗi khi từng con số lạc quan được công bố ra. Giờ đến lượt các ngân hàng mong cả nền kinh tế có được những liều thuốc bổ để không chỉ ngân hàng mà doanh nghiệp đều ổn định trở lại và hoạt động hiệu quả. Khi ấy, ngân hàng sẽ không còn sợ… lãi lớn.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán