Trao đổi với phóng viên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tập đoàn Điện lực Việt Nam đều khuyến cáo, người dân cần thận trọng trước những thông tin về việc cho vay vốn với số tiền khổng lồ một cách dễ dãi để tránh rủi ro.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chỉ riêng việc một doanh nghiệp tư nhân đăng ký vốn điều lệ tới 45.000 tỷ đồng đã là một dấu hiệu khó tin. Số tiền này, so với cả vốn điều lệ của các ngân hàng cũng là rất lớn. Nhiều ngân hàng khá tên tuổi hiện nay trên thị trường, sau nhiều năm hoạt động, có lượng tiền gửi rất lớn, nhưng vốn điều lệ cũng chỉ từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng. Nếu là một doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thật sự, tự họ sẽ thấy được những vô lý khi đăng ký vốn khủng như vậy.
“Một doanh nghiệp tư nhân trong nước huy động được nguồn vốn tới 800.000 tỷ đồng từ các tổ chức nước ngoài để phục vụ trồng rừng thì từ trước đến nay chúng tôi chưa từng nghe thấy một dự án nào như thế. Đây là số tiền quá lớn. Có quá nhiều điều bất thường”, vị này nói.
Cần xác minh nguồn tiền của Rừng Toàn Cầu. |
Các tổ chức quốc tế khi muốn đưa tiền vào Việt Nam, theo phân tích của đại diện NHNN, thường sẽ phải qua các bộ ngành đang thực hiện dự án. Tiền được đưa thẳng cho một doanh nghiệp tư nhân và không bộ ngành nào biết đến nguồn tiền, cũng như việc “rải tiền” cho các dự án một cách dễ dãi như vậy là điều rất lạ. Cần điều tra nguồn gốc số tiền rất khó hiểu này.
Trao đổi với phóng viên, phía tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, chưa từng được làm việc về những dự án đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời và dự án đầu tư phong điện (điện gió) lên tới hàng nghìn tỷ đồng/dự án mà Rừng Toàn Cầu quảng bá đang thực hiện tại Việt Nam.
“Nói đã đầu tư triển khai dự án nhà máy điện gió thì kiểu gì cũng phải làm việc với EVN để thực hiện đấu nối cũng như các vấn đề khác. Nhưng chúng tôi chưa được biết đến các dự án này”, vị này cho biết.
Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM nói gì về vụ Rừng Toàn Cầu?
Hôm qua 26/2, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM đã có văn bản gửi phóng viên báo chí về Rừng Toàn Cầu. Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, để có số vốn điều lệ đăng ký kinh doanh lên đến 45.000 tỷ đồng, Rừng Toàn Cầu huy động 6 công ty thành viên và 14 cá nhân góp cổ phần vào công ty. Có đến 4,5 tỷ cổ phần với giá trị 10.000 đồng/cổ phần được các tổ chức cá nhân góp vào, nhưng thực tế đây là vốn ảo.
“Công ty này đăng ký 39 ngành nghề kinh doanh đều thuộc loại hình không hoạt động tại trụ sở. Số vốn điều lệ này là từ cổ phần chứ công ty không có vốn pháp định”, ông Đỗ Hoành Sơn, phó trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư) nói.