Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 5-9/7, trong đó cho biết Ngân hàng Nhà nước đã quay lại bơm ròng tiền ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng 53 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở. Đây là lần thứ hai NHNN bơm ròng tiền ra thị trường qua kênh này kể từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021.
Trong đó, lần gần nhất bơm ròng tiền ra thị trường (tuần 7-11/6), NHNN chỉ giao dịch bơm ròng 1,08 tỷ đồng cũng qua kênh mua kỳ hạn 7 ngày.
Trước đó, đợt bơm tiền qua kênh thị trường mở với quy mô lớn nhất của NHNN là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 với mức bơm ròng 11.060 tỷ.
Ngoài ra, các chuyên gia tại SSI Research cũng cho biết thị trường đang đón nhận thêm dòng tiền đồng lớn từ cơ quan quản lý thông qua các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 1 của các ngân hàng thương mại về NHNN đến nay đã bắt đầu được thực hiện.
Tiền đang được NHNN bơm ra thị trường nhiều hơn khi các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn hồi đầu năm bắt đầu đến hạn vào tháng 7 và 8 này. Ảnh: Nam Khánh. |
Điều này giúp nguồn cung tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng dồi dào hơn, đồng nghĩa với việc thanh khoản các ngân hàng sẽ dôi dư hơn giai đoạn 2 tháng vừa qua.
Kết quả, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần gần nhất đã giảm 0,17-0,22 điểm %, chốt tuần ở mức 0,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,13% với kỳ hạn 1 tuần.
Với xu hướng tiền đồng sẽ còn được bơm ra nhiều hơn qua kênh đáo hạn ngoại tệ thời gian tới, lãi suất liên ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Tương tự, báo cáo tổng hợp kinh tế - tài chính tuần 5-9/7 của Hội Nghiên cứu thị trường Liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cũng cho biết hệ thống ngân hàng sẽ đón dòng tiền lớn đáo hạn từ kênh NHNN mua ngoại tệ kỳ hạn hồi đầu năm (đáo hạn tháng 7-8).
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III do NHNN tiến hành mới đây, hầu hết nhà băng đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay của mình so với kỳ vọng trước đó do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, 6 tháng từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã đẩy cao tăng trưởng tín dụng, bình quân toàn hệ thống 6 tháng đạt 5,47%, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Hiện một số ngân hàng đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN giao và đang phải xin cơ quan quản lý nới thêm để tăng trưởng cuối năm. Tuy nhiên, đến nay, NHNN vẫn chưa ra quyết định nới room tăng trưởng tín dụng cho nhà băng nào.
Từ các yếu tố trên, VIRA cho rằng lãi suất liên ngân hàng dự kiến tiếp tục giảm thời gian tới.
Tuy vậy, xét tương quan giữa cho vay và huy động, các tổ chức tín dụng vẫn cho rằng nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Trong đó, các chỉ số kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và huy động năm nay lần lượt là 13,1% và 11,9%.
Về lãi suất huy động vốn, gần đây, lãi tiền gửi dưới 12 tháng đã có diễn biến trái chiều khi một số ngân hàng tăng (Vietcombank, VIB, SHB) nhưng một số khác lại điều chỉnh giảm nhẹ (VPBank, Eximbank) khoảng 0,1-0,2 điểm %.
Theo SSI Research, dù mặt bằng lãi suất thấp được hỗ trợ bởi định hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chênh lệch tiền gửi - tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp, tạo sức ép khiến lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ nửa cuối năm nay.