Đó là lời của một quan chức Ngân hàng trung ương được trích dẫn trên Bloomberg.
Theo hãng tin này, trong cuộc trả lời qua điện thoại, bà Lê Thị Thúy Sen, thuộc phòng truyền thông, cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin để thực hiện điều tra vụ tấn công mạng vào Ngân hàng TPBank. Cơ quan quản lý sẽ cung cấp thêm thông tin sau ngày hôm nay, bà Sen cho biết.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong vừa suýt là nạn nhân của tin tắc, với vụ tấn công trị giá 1 triệu USD. |
Một ngày trước, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, trong quý IV/2015, TPBank đã xác định được một số yêu cầu giao dịch đáng ngờ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT nhằm chuyển hơn 1 triệu Euro (khoảng 1,1 triệu USD).
Theo đó, đơn vị này cho biết họ đã "nhanh chóng phát hiện yêu cầu giao dịch đáng ngờ, ngay lập tức liên lạc với các bên liên quan và kịp thời chặn đứng việc chuyển tiền của bọn tội phạm bằng cách liên hệ với các bên có liên quan".
TPBank sử dụng dịch vụ thuê ngoài của một đối tác để kết nối với hệ thống SWIFT qua các máy chủ của đối tác này đặt tại nước ngoài. Từ chối cung cấp thông tin về đối tác cung cấp dịch vụ, đơn vị cũng cho biết đã chấm dứt hợp đồng và chuyển sang sử dụng hệ thống mới có tính bảo mật cao hơn và cho phép họ kết nối trực tiếp với SWIFT.
Trước đó, trong một thông báo đưa ra ngày 12/5, nhà thầu quốc phòng Anh BAE Systems cho biết một ngân hàng Việt Nam là nạn nhân của tin tặc với chiêu thức tương tự như vụ việc mất 81 triệu USD của Ngân hàng trung ương Bangladesh hồi tháng 2/2016. Theo nhóm nghiên cứu tại BAE Systems, các hacker lấy cắp dữ liệu khách hàng từ Sony và đổ lỗi cho Triều Tiên.
Nhóm này cho biết trên Financial Times, ngân hàng ở Việt Nam bị tấn công trước Ngân hàng trung ương Bangladesh nhưng gần đây mới được phát hiện.