Thống kê cho thấy giá đồng USD lao dốc tới 9% kể từ tháng 3 do dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Mỹ trượt dài trong khủng hoảng. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 10 ngoại tệ mạnh - đang trải qua tháng 7 tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, giá vàng liên tục tăng vọt và áp sát ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Với việc Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD và đang xem xét gói mới 1.000 tỷ USD, dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ năm nay sẽ lên đến 4.000 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP. Nhiều khả năng nợ công Mỹ sẽ vượt mức 100% GDP lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đang duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0%. Giới đầu tư lo ngại việc in tiền ồ ạt sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ lên cao những năm tới, do đó liên tục đổ tiền vào vàng trong thời gian qua. "Vàng là giải pháp cuối cùng, đặc biệt khi chính phủ hạ giá nội tệ và đẩy lãi suất xuống mức thấp kỷ lục", các nhà phân tích Goldman Sachs viết trong một báo cáo.
Giá đồng USD giảm mạnh kể từ tháng 3. Ảnh: CNBC. |
"Do đó, đang có những lo ngại thực sự về vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD", nhóm chuyên gia Goldman Sachs nhấn mạnh. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Mỹ dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.300 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới, cao hơn nhiều so với mức 1.950 USD hiện tại. Thậm chí Bank of America cho rằng giá vàng có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới.
Đồng USD chiếm 62% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Khoảng 88% giao dịch thương mại thế giới được tính bằng đồng USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Những năm trước, không có nhiều loại tài sản "trú ẩn" ngoài trái phiếu chính phủ Mỹ. Châu Âu bị chia rẽ và suy yếu vì khủng hoảng tài chính, Nhật Bản trải qua 3 thập kỷ "mùa đông kinh tế".
Nhưng tình hình đang thay đổi. Đồng yen Nhật Bản tăng giá mạnh trong những tháng gần đây, đặc biệt khi các số liệu thống kê cho thấy quốc gia Đông Á chống chọi với dịch Covid-19 hiệu quả hơn hẳn so với Mỹ. Tương tự, châu Âu cũng đang dần mở cửa, giá đồng euro tăng vọt 10% kể từ tháng 3.
Bloomberg dẫn lời nhà phân tích tiền tệ Michael Krupkin thuộc Barclays Plc nhận định với tỷ lệ áp đảo trong dự trữ ngoại hối và tổng giao dịch thương mại toàn cầu, đồng USD chưa thể mất vị thế độc tôn. Dù vậy, nhóm chuyên gia Goldman Sachs cảnh báo tình trạng nợ Mỹ phình to sẽ dẫn tới nhiều rủi ro tiền tệ.