Ngân hàng lại vượt rào lãi suất
Cuộc đua "nóng" trở lại trong những ngày qua khi không chỉ tiền đồng mà các tiền gửi bằng USD cũng đang phá rào lãi suất.
Gửi 10.000 USD, lãi suất 3,5%/năm
Theo Thông tư số 14/2011/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 2/6/2011, các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD đối với tổ chức là 0,5%/năm và cá nhân 2%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa bao gồm cả khoản khuyến mãi dưới mọi hình thức và áp dụng đối với mọi phương thức trả lãi cuối kỳ.
Kể từ khi ban hành, biểu lãi suất huy động USD tại các ngân hàng ổn định trong thời gian dài. Theo đó, lãi suất tiền gửi USD không kỳ hạn dao động từ 0,2% đến 1%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, tất cả các ngân hàng đều ấn định ở mức tối đa 2%/năm theo quy định. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lãi suất gửi USD bắt đầu có dấu hiệu nóng lên, khi một số ngân hàng bắt đầu vượt rào, cho nhân viên đi thỏa thuận, lôi kéo khách hàng.
Nhiều ngân hàng không ngại phá quy định của Nhà nước nhằm giữ thị phần. |
N.T.P, nhân viên kinh doanh tại chi nhánh của một ngân hàng cổ phần ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội, vào thẳng vấn đề với chúng tôi: “Nếu anh có 10.000 USD trở lên, NH có sản phẩm tiền gửi ưu đãi với lãi suất 3,5%/năm, cao hơn các nơi khác 1,5%/năm”. Thấy chúng tôi có chút băn khoăn, P. cho biết để khách hàng không lo lắng, ngân hàng ghi sổ tiết kiệm lãi suất 2%/năm đúng quy định, phần chênh lệch 1,5%/năm sẽ được trả trực tiếp ngay sau khi khách nhận sổ tiết kiệm.
Những ngày qua, nhiều ngân hàng liên tiếp cho nhân viên gọi điện “chèo kéo” khách hàng, giới thiệu lãi suất “ưu đãi”, “hấp dẫn” cao hơn các ngân hàng khác và cao hơn trần quy định. Tại phòng giao dịch một ngân hàng cổ phần khác trên phố Xã Đàn (Đống Đa), sau một hồi trao đổi, nhân viên giao dịch cho biết nhà băng này sẽ ưu đãi khách gửi từ 5.000 USD trở nên với lãi suất cao hơn 2%/năm, trên 10.000 USD lãi suất ít nhất 3%/năm. Trước khi thông báo tới khách hàng, nhân viên này đã rẽ qua xin ý kiến của trưởng phòng giao dịch.
Nội tệ cũng vượt rào
Trước khi lãi suất tiền gửi USD có dấu hiệu tăng nhiệt, thị trường đã nổi sóng khi lãi suất tiền đồng Việt Nam các kỳ hạn trên 1 năm được các ngân hàng tăng từ 11-12%/năm lên 13%/năm, thậm chí 14%/năm cho các món tiền tỷ. Thông tư số 19/2012/NHNN có hiệu lực từ 11/6/2012 quy định tổ chức tín dụng ấn định lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (bao gồm cả chi phí khuyến mãi dưới mọi hình thức) không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa là 2%/năm.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng tự ấn định trên cơ sở cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, một loạt ngân hàng đã xé rào lãi suất.
Phương thức quen thuộc là cho nhân viên đi lùng sục khách hàng cũ đã từng giao dịch, qua giới thiệu, bạn bè, người thân, đồng ý trả lãi suất cao hơn trần quy định từ 2-3%/năm. “Dạo này bọn em bị mất thị phần nhiều quá, nên phải chu đáo hơn với khách hàng, phải chăm sóc tận tình, anh gửi bên em được nhiều ưu đãi, quà tặng, với khoản tiền 2 tỉ đồng, kỳ hạn 1 tháng ngân hàng sẽ trả lãi suất 12,3%/năm”, Tú, nhân viên một ngân hàng cổ phần lớn, cho biết.
Cũng theo nhân viên này, để thuận tiện cho khách hàng thì phần lãi suất chênh được trả trực tiếp bằng tiền mặt ngay sau khi khách hàng gửi tiền. Hoặc nếu muốn ngân hàng có thể ghi giấy, hợp đồng, nhưng: “Kiểu gì bọn em cũng phải làm 2 bản, không Ngân hàng Nhà nước họ kiểm tra, phát hiện được lại rắc rối”, Tú nói. Cũng theo nhân viên này, qua khảo sát các “đối thủ” khác đều đã vượt trần, nhưng lãi suất thấp hơn chút ít khoảng 11,5%/năm đến 12%/năm tùy món tiền gửi lớn hay nhỏ.
Cuộc đua lãi suất lại nóng. Hậu quả rõ ràng nhất là lãi suất cho vay có nguy cơ tăng trở lại. Mục tiêu hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng bởi những cú “vượt rào” này.
Theo Thanh Niên