Đây là kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2020 vừa được Vụ dự báo, thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) công bố. Theo cơ quan quản lý, cuộc điều tra được ghi nhận tại toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với tỷ lệ trả lời 97%.
Theo đó, hầu hết ngân hàng kỳ vọng trạng thái thanh khoản tiếp tục được cải thiện trong quý cuối năm nay nhưng có thể bị ảnh hưởng do yếu tố thời vụ. Về thanh khoản cả năm 2020, hơn một nửa ngân hàng trong hệ thống đánh giá thanh khoản được cải thiện đáng kể so với năm 2019.
Tiếp tục xu hướng dự báo của kỳ trước, tại kỳ điều tra này, Vụ dự báo, thống kê cho biết hầu hết ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm trong quý IV và cả năm 2020. Trong đó, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm khoảng 0,1 điểm % trong quý cuối năm.
Với chỉ tiêu huy động vốn, toàn hệ thống ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng huy động thêm khoảng 3,4% trong 3 tháng cuối năm và tăng 8,7% trong cả năm. Đa số ngân hàng nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2020 so với kỳ điều tra tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng thực tế và kỳ vọng của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, huy động vốn kỳ hạn trên 1 năm (trung hạn) được dự báo tăng cao hơn kỳ hạn dưới 1 năm (ngắn hạn).
Lãi suất huy động và cho vay được các ngân hàng kỳ vọng giảm tối thiểu 0,1 điểm % trong quý cuối năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở chiều cho vay, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,7% quý cuối năm và tăng 11,4% trong cả năm. So với kết quả kỳ điều tra tháng 6, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ, ngân hàng thương mại lớn, và nhóm ngân hàng nước ngoài đều tăng kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mình trong năm 2020.
Trong quý III trước đó, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng chưa cải thiện được như kỳ vọng của các nhà băng tại cuộc điều tra tháng 6. Trong đó, tỷ lệ ngân hàng nhận định tình hình kinh doanh suy giảm cao gấp đôi so với kỳ điều tra trước.
Quý IV/2020 được nhiều ngân hàng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn các quý trước. Tuy nhiên, dự kiến cả năm, số nhà băng đánh giá kinh doanh suy giảm nhẹ vẫn tăng so với kỳ trước khi chưa tới một nửa ngân hàng trong hệ thống đưa ra kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể cải thiện hơn so với năm 2019.
Cùng xu hướng đánh giá hoạt động kinh doanh không thuận lợi, số ngân hàng lo ngại lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm cũng tăng lên dẫn đến kỳ vọng bình quân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống giảm so với các kỳ điều tra trước.
Trong báo cáo phát hành giữa tháng 10, SSI Research cho biết sau khi giảm mạnh tuần đầu tháng 10, lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần 12-16/10, giữ ở mức 3-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Các chuyên gia tại đây cho rằng dù dịch bệnh được kiểm soát và thị trường bước vào quý cuối năm thường là thời gian cao điểm kinh doanh, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn khiêm tốn. Tình trạng dư thừa tiền đồng trong hệ thống các ngân hàng dự báo lãi suất vẫn đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới, thậm chí có thể giảm thêm 0,1-0,3 điểm % nếu có các diễn biến bất lợi của dịch bệnh trong nước và thế giới.