Ngân hàng Eximbank mới đây đã công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nhà băng này đã hạ một loạt chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, với chỉ tiêu tổng tài sản, kế hoạch trước đó nhà băng này được cổ đông giao phó là đạt 190.000 tỷ đồng trong năm 2020, tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng điều chỉnh kế hoạch này giảm 7,4%, xuống 176.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Eximbank vào khoảng 167.500 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch mới của Eximbank tương đương với mức tăng trưởng tài sản 5% trong năm nay (thay vì 13% như ban đầu).
Tương tự, lãnh đạo Eximbank cũng kế hoạch giảm mức huy động vốn năm nay từ 161.000 tỷ đồng xuống 147.800 tỷ đồng, tương đương giảm 8,2%. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ngân hàng được giao theo kế hoạch trước đó là 127.345 tỷ đồng vào cuối năm 2020, cũng được điều chỉnh xuống 122.275 tỷ, giảm 4%.
Eximbank giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay 40% so với ban đầu vì dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Với các chỉ tiêu tài chính giảm như trên, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế (trước trích lập bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC) sẽ giảm từ 2.400 tỷ xuống 1.918 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20%.
Riêng với lợi nhuận trước thuế, lãnh đạo ngân hàng đặt kế hoạch mới là 1.318 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với kế hoạch ban đầu.
Trong quý I vừa qua, nhà băng này ghi nhận 458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vẫn tăng 31% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh mới, nhà băng này đã hoàn thành tới 35% chỉ tiêu lợi nhuận dù mới đi hết quý I.
Tuy vậy, các chỉ tiêu tài sản trong quý đầu năm của Eximbank đều sụt giảm. Trong đó, tổng tài sản ngân hàng giảm 10.000 tỷ so với đầu năm, đạt hơn 157.000 tỷ đồng cuối quý I, hiện thấp hơn 11% so với kế hoạch.
Các chỉ tiêu cho vay khách hàng và huy động vốn giảm lần lượt 3,9% và 7,3% so với đầu năm.
Hiện tại, Eximbank là nhà băng đầu tiên công bố giảm kế hoạch kinh doanh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhiều nhà băng cũng dự kiến kết quả kinh doanh năm nay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ dịch bệnh nhưng chưa có số liệu tài chính cụ thể.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch gây ra.
Trong đó, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện tại và các khoản vay mới đối phó Covid-19.
Cùng với đó, các ngân hàng cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông.