Theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều ông lớn ngành ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay.
Cụ thể, từ ngày mai (15/10), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm 1%/năm so với hiện nay.
Từ giờ đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Ảnh minh họa. |
Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, sẽ được nhà băng này xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn.
Trước đó vào tháng 4 và 5/2016, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay trung dài hạn đối với doanh nghiệp và giảm lãi suất cho các khoản vay trung dài hạn của các doanh nghiệp miền Trung bị thiệt hại do hiện tượng thủy hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung.
Cũng từ mai (15/10), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank - cho hay cơ sở để nhà băng giảm lãi suất cho vay là nguồn lực, và nguồn vốn rẻ dồi dào của ngân hàng.
Trước đó, từ ngày 10/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đã giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm. Ngân hàng này cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ngày 26/9, BIDV và Vietinbank cùng quyết định giảm lãi suất huy động để rút ngắn khoảng cách với Vietcombank.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đang áp lãi suất huy động VND ở mức khá cao, trên 8%/năm, cao nhất 8,3% như tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), tập trung ở các kỳ hạn dài.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết để giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04 chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí...
“Một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với các đối tượng cụ thể. Từ nay đến cuối năm nhu cầu tín dụng tăng hơn so với các tháng đầu năm, chúng tôi sẽ theo dõi sát để kịp thời điều hành. Gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây sẽ là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng nhấn mạnh.