Theo số liệu thống kê từ Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, trong tuần 11-18/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thêm gần 1.000 tỷ đồng vào hệ thống các ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, với lãi suất 2,5%/năm.
Dù lượng tín phiếu đáo mua vào trước đó hạn trong tuần này là 3.800 tỷ, khối lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn ở mức 2.400 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục bơm tiền vào các ngân hàng để hỗ trợ thanh khoản. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao
Với việc tiếp tục bơm tiền vào các ngân hàng tuần qua, cơ quan quản lý tiền tệ đã có tuần thứ 12 liên tiếp duy trì trạng thái này. Từ giữa tháng 1 đến nay, NHNN luôn duy trì trạng thái bơm tiền vào các ngân hàng, qua đó làm tăng cung tiền trên thị trường.
Ngược lại, suốt 3 tháng qua, NHNN không thực hiện bất kỳ giao dịch hút tiền về nào ngoại trừ việc đáo hạn các hợp đồng tín phiếu đã thực hiện trước đó, tuy nhiên giá trị đáo hạn cũng luôn thấp hơn giá trị thực hiện mới, khiến lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường vẫn ở mức dương hàng nghìn tỷ.
Đáng chú ý hơn, bất chấp việc NHNN liên tục bơm tiền, thanh khoản các ngân hàng vẫn trong trạng thái thiếu hụt, dẫn tới lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao trên 2%/năm.
Trong tuần gần nhất, nhờ nguồn tiền từ NHNN mà mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhẹ, tuy nhiên, lãi suất các khoản vay liên ngân hàng qua đêm vẫn ở mức 2,23%/năm. Trong khi các khoản vay 1 tuần có lãi suất 2,42%/năm.
Bên cạnh giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, việc các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản còn thể hiện ở xu hướng nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây.
LÃI SUẤT BÌNH QUÂN LIÊN NGÂN HÀNG TỪ ĐẦU NĂM 2022 | |||||||||||||||
Nguồn: NHNN; SSI Research; Tổng hợp | |||||||||||||||
Nhãn | 4-7/1 | 10-14/1 | 17-21/1 | 24-28/1 | 7-11/2 | 14-18/2 | 21-25/2 | 28/2-3/3 | 7-11/3 | 14-18/3 | 21-25/3 | 28/3-1/4 | 4-8/4 | 11-18/4 | |
Cho vay qua đêm | %/năm | 1.16 | 1.13 | 1.12 | 2.3 | 2.85 | 2.71 | 2.48 | 2.37 | 2.25 | 2.26 | 2.28 | 2.19 | 2.29 | 2.23 |
Cho vay 1 tuần | 1.55 | 1.59 | 1.7 | 2.2 | 2.93 | 2.82 | 2.52 | 2.4 | 2.38 | 2.44 | 2.44 | 2.39 | 2.52 | 2.42 |
Mới nhất, VPBank đã công bố biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 15/4 với xu hướng tăng mạnh ở một loạt kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã tăng từ 6,7%/năm lên 6,9%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng và giá trị gửi từ 50 tỷ đồng trở lên. Với giá trị gửi nhỏ hơn ở cùng kỳ hạn, mức lãi suất mới tại VPBank cũng dao động trong khoảng 6,1-6,7%/năm, cao hơn 0,4-0,6 điểm % so với trước đó.
Tương tự, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 12 và 24 tháng tại ngân hàng này đều đã tăng 0,4-0,6% điểm % trong đợt điều chỉnh.
Tại MBBank, ngân hàng cũng đưa ra biểu lãi suất mới áp dụng từ tháng 4 với xu hướng tăng 0,2 điểm % ở các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng và kỳ hạn dài 36 tháng. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 6,6%/năm thay vì mức 6,4%/năm như tháng trước.
Hiện hàng loạt ngân hàng khác cũng đã tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân như Techcombank, NamABank, OCB, SCB, LienVietPostBank, HDBank, ACB…
Lý do thanh khoản thiếu hụt
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản và phải tăng lãi suất huy động để bổ sung là tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực.
Cụ thể, số liệu từ NHNN cho biết tính đến hết quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 5,04%, cao hơn 1 điểm % (từ mức 4,03%) chỉ trong 10 ngày cuối tháng 3.
Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 tháng đầu năm, các ngân hàng đã bơm ròng gần 526.400 tỷ đồng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay, tương đương mức bơm ròng bình quân 5.850 tỷ/ngày. Mức tăng 5,04% này cũng mức tăng mạnh nhất trong một thập niên trở lại đây của chỉ tiêu tín dụng.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG QUÝ I/2022 CAO NHẤT 10 NĂM | |||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp | |||||||||||
Nhãn | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Tăng trưởng tín dụng quý I | % | 1.17 | 0.52 | 2.65 | 3.04 | 4.37 | 3.53 | 3.13 | 1.31 | 2.95 | 5.04 |
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nền kinh tế mở cửa sau các tháng phong toả cuối năm 2021 đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục mạnh trở lại.
Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn tăng cao, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, từ đó khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.
Cùng quan điểm, các chuyên gia tại SSI Research cho rằng nguyên nhân chính khiến thanh khoản ngân hàng thiếu hụt là vì tín dụng phục hồi mạnh mẽ.
Dựa vào số liệu tín dụng tăng trưởng quý I, SSI Research nâng dự báo tăng trưởng chỉ tiêu này trong năm 2022 lên 14,5-15%, cao hơn 0,5-1 điểm % so với dự báo trước. Điều này cũng sẽ tạo áp lực tăng đáng kể đối với lãi suất huy động và cho vay trong thời gian tới.
Ghi nhận trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp trong năm nay do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát và sự cạnh tranh gay gắt bởi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán cũng sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng lên để thu hút dòng tiền.
Năm nay, VNDirect dự báo lãi suất huy động sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể đạt mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm, cao hơn so với mức bình quân hiện nay là 5,6%/năm.