Sau khi có cơ chế thu giữ và đấu giá tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu, nhiều ngân hàng cho biết sẽ sớm xử lý và thu hồi được các khoản nợ vay này. Nguyên nhân đến từ việc hầu hết khoản vay tại ngân hàng đều có giá trị tài sản đảm bảo cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay.
Ngân hàng nào có nhiều tài sản cầm cố nhất?
Hiện tại, dù không phải ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống, Vietinbank lại sở hữu khối tài sản đảm bảo cho các khoản vay có giá trị lớn nhất.
Cụ thể, khối tài sản đang được cầm cố tại nhà băng này có giá trị lên tới hơn 1,74 triệu tỷ đồng, gấp đôi số dư nợ cho vay hiện tại của ngân hàng là 867.600 tỷ đồng. Hơn 55% trong đó là giá trị đến từ bất động sản. Chỉ riêng giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản tại nhà băng này đã lên tới 961.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay hiện nay.
Tương tự, tại BIDV và Vietcombank, tài sản đảm bảo cũng có giá trị cao hơn nhiều so với các khoản vay hiện hữu tại nhà băng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, Vietcombank đang cho khách hàng vay hơn 606.000 tỷ đồng. Đổi lại, nhà băng này nắm giữ khối tài sản đảm bảo trị giá 873.700 tỷ đồng, gấp 1,44 lần. Trong đó, 60% giá trị tài sản đảm bảo cũng đến từ bất động sản, còn lại là các tài sản như nhà xưởng, máy móc và hàng hóa của các doanh nghiệp cầm cố tại ngân hàng.
Tại BIDV, với dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, lên tới 929.200 tỷ đồng, nhà băng này đang nhận cầm cố khối tài sản đảm bảo trị giá trên 1,2 triệu tỷ đồng (đầu năm 2018), 60% trong số này là các bất động sản.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, hầu hết ngân hàng hiện duy trì giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản dưới 60% tổng giá trị tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng hiện có tỷ lệ này ở mức rất cao.
Như tại ACB, hiện bất động sản chiếm tới 89% tổng giá trị tài sản đảm bảo tại nhà băng. Trong khi dư nợ cho vay của ngân hàng này hiện là 221.800 tỷ đồng thì riêng giá trị bất động sản cầm cố tại nhà băng đã đạt gấp 1,64 lần (trên 363.600 tỷ đồng).
Kienlongbank cũng nắm trong tay khối tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản. Hiện nhà băng này đang có dư nợ cho vay khoảng 27.300 tỷ đồng, giá trị tài sản đảm bảo cho số dư nợ vay này là 48.500 tỷ đồng, trong đó bất động sản cũng chiếm tới 81%.
Hay như tại Sacombank, ngân hàng đang có những đợt rao bán các bất động sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, hiện cũng có tới 352.000 tỷ đồng giá trị bất động sản, trên tổng số 462.000 tỷ đồng tài sản đảm bảo. Chỉ tính riêng khối bất động sản đang cầm cố tại ngân hàng này đã cao hơn 1,43 lần so với tổng dư nợ cho vay.
Giá trị tài sản đảm bảo cao hơn nhiều dư nợ cho vay là một trong số những lợi thế của Sacombank trong việc khắc phục và xử lý nợ xấu bằng cách rao bán tài sản. Gần nhất, nhà băng này đã rao bán loạt bất động sản có giá trị trên 20.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, nhà băng này đã rao bán trên 30.000 tỷ đồng tài sản là các bất động sản cầm cố.
Rao bán bất động sản để xử lý nợ
Ngoài Sacombank, hàng loạt ngân hàng khác gần đây cũng rao bán tài sản đảm bảo để xử lý và thu hồi các khoản nợ xấu như Vietinbank, BIDV, Agribank hay cả VAMC… Đặc biệt, phần lớn tài sản được rao bán đều là các lô bất động sản giá trị.
Cuối quý I vừa qua, VAMC cũng đã tổ chức bán đấu giá tòa nhà Sài Gòn One Tower với giá khởi điểm trên 6.000 tỷ đồng. Hay gần đây công ty này đã rao bán khoản nợ 2.378 tỷ đồng có tài sản đảm bảo là bất động sản của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài.
Thông tin từ VAMC cũng cho hay hiện nhiều dự án bất động sản lớn cũng đang được thế chấp tại công ty và sẽ tính tới khả năng bán đấu giá công khai để xử lý và thu hồi các khoản nợ đi kèm. Trong số bất động sản này có nhiều dự án lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Đấu giá bất động sản cầm cố là lợi thế giúp ngân hàng xử lý và thu hồi các khoản nợ xấu liên quan. Ảnh: Lê Quân. |
Cụ thể, tại Hà Nội, nhiều khu “đất vàng” đang được cầm cố tại VAMC như toàn bộ diện tích tầng 2, chung cư E1, Chelsea Park tại Khu đô thị Yên Hoà (Cầu Giấy); tòa nhà 15 tầng trên diện tích 3.426 m3 ở lô CT-08C, Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên). Hay toàn bộ dự án Skyview Trần Thái Tông tại Lô C, ô đất D4 Khu đô thị mới Cầu Giấy; toàn bộ căn hộ chưa bán tại tòa nhà CT 104, khu CT1, dự án Usilk City cũng đang được cầm cố tại VAMC.
Tại TP.HCM, VAMC cũng đang nhận thế chấp nhiều quyền sử dụng đất và dự án bất động sản dở dang như dự án chung cư New Pearl số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3); gần 20.000 m2 đất xây dựng Dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC - Hưng Long; dự án trung tâm thương mại và dân cư Hưng Điền (quận 8); dự án PetroVietnam Landmark (quận 2)…
Ngoài ra, còn nhiều dự án đáng chú ý cũng đang được thế chấp toàn bộ hoặc một phần như Khu dân cư 584 Tân Kiên, Bình Chánh (thế chấp trên 600 căn hộ); chung cư Thái Bình Plaza, quận 2 (thế chấp 141 căn hộ); dự án 584 Lilama SHB Plaza tại quận Gò Vấp (thế chấp 724 căn hộ); dự án Cao ốc Xanh, quận 9 (thế chấp 730 căn hộ)...