Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng 'đại hạ giá' khách sạn 5 sao, bất động sản nhưng vẫn ế

Nhiều tháng gần đây, các ngân hàng liên tục rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu, trong đó chủ yếu là bất động sản, ôtô. Nhiều tài sản giảm tới 50% nhưng vẫn không có người mua.

Chỉ trong 5 ngày cuối tháng 11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã đưa ra tới 33 thông báo đấu giá tài sản. Đáng chú ý, trong số này chủ yếu là bất động sản.

Thực tế, càng về cuối năm, các ngân hàng càng dồn dập bán đấu giá tài sản đảm bảo có giá trị lớn để thu hồi nợ đọng.

Rao bán khoản nợ xấu cả nghìn tỷ

Theo đó, Agribank đã phát đi thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến du thuyền (Marina Hotel) lần thứ 4. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia - Khu B, tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Trong đó bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36; tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại. Tất cả đều là tài sản hình thành trong tương lai.

Giá khởi điểm cho khoản nợ này được ngân hàng đưa ra là 948 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với đợt rao bán hồi tháng 9.

Nhiều tháng gần đây, Agribank cũng là nhà băng tích cực rao bán các khoản nợ liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà băng này vừa có thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ gần 88,54 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bắc Hà - một công ty thuộc nhóm Tân Hoàng Minh.

Không công khai thông tin về tài sản đảm bảo cho khoản nợ này, Agribank đưa ra giá khởi điểm là 79,1 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng cũng rao bán 4 khoản nợ khác của 4 công ty liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng.

dau gia no xau anh 1

Agribank đang tích cực thanh lý các khoản nợ của nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: Đức Anh.

Tại Phú Quốc, Agribank cũng đang rao bán các khoản nợ gần 500 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải Phú Quốc do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.

Không chỉ Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh thanh lý tài sản là bất động sản có giá trị lớn.

Trong tháng 11, VietinBank cũng phát 50 thông báo xử lý/rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Hồi tháng 7, nhà băng này thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 5 sao, tòa nhà văn phòng. Các tài sản này được bán đấu giá hoặc bán thỏa thuận với tổng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng OCB cũng thông báo bán đấu giá 84 biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), giá khởi điểm gần 550 tỷ đồng, tương đương hơn 6,5 tỷ đồng/căn.

Ngoài bất động sản, nhiều nhà băng cũng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo là ôtô để thu hồi nợ. Trong đó, TPBank, VIB là những nhà băng có nhiều ô tô được rao bán thanh lý với giá từ vài trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng.

Nỗi lo nợ xấu phình to

Việc các nhà băng đẩy mạnh hoạt động thanh lý nợ và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng vẫn duy trì dưới ngưỡng 3% (theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước), nhưng đang có xu hướng tăng. Tỷ lệ này đến cuối quý III là 2,2%, cao hơn mức 2,07% của cuối quý II và 2% hồi cuối năm 2022.

Theo NHNN, chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu đi xuống. Trong đó, một số nhà băng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%.

SỐ DƯ NỢ XẤU MỘT SỐ NGÂN HÀNG
Số liệu tính đến cuối tháng 9. Nguồn: BCTC NH.
Nhãn VPBank BIDV VietinBank Vietcombank MBBank Sacombank NCB SHB
Số dư nợ xấu tỷ đồng 29934 26394 18941 14393 10111 10388 13460 13484

Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại Ngân hàng SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Trước tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá nợ xấu ngành ngân hàng hiện nay tương đối cao so với chỉ tiêu đề ra, cũng như so với thời gian trước đây. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng hiện tại đã có nhiều ngân hàng vượt ngưỡng.

"Năm nay, một số doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ nên việc vay nợ, trả nợ gặp khó khăn", ông nhìn nhận.

Khi mặt bằng giá bất động sản giảm, tài sản thế chấp là bất động sản tại nhà băng cũng xuống giá. Tuy nhiên, khi bán đấu giá, ngân hàng không thể bán theo giá thị trường mà phải từ từ hạ giá

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Hơn nữa, kể từ năm 2020, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, không nâng nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp. Nhưng khi quy định hết hiệu lực, các doanh nghiệp không trả được nợ, phải khoanh nợ gần như đều sẽ trở thành nợ xấu, đẩy nợ xấu tăng lên.

"Nợ xấu trong nửa cuối năm tăng lên rất nhanh vì những lý do này. Từ nay đến hết năm và sang năm sau, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng", vị chuyên gia dự báo.

Trong việc rao bán tài sản đảm bảo của các ngân hàng, ông Thịnh cho rằng ngân hàng đang ở thế khó. Đặc biệt đối với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Theo vị chuyên gia, trước đây, khi thị trường bất động sản phát triển "nóng", giá bất động sản một số khu vực tăng gấp nhiều lần. Nhưng từ giữa năm 2022 đến nay, do một số chính sách nhằm kiểm soát thị trường khiến giá giảm mạnh.

"Khi mặt bằng giá bất động sản giảm, tài sản thế chấp là bất động sản tại các nhà băng cũng xuống giá. Tuy nhiên, khi bán đấu giá, ngân hàng không thể bán theo giá thị trường mà phải từ từ hạ giá", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông cho biết thêm hiện nay, có những bất động sản phát mãi rất khó có thanh khoản. Nguyên nhân một phần do thị trường, nền kinh tế khó khăn, phần khác do việc định giá phát mãi tài sản không dựa theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi nên bán tài sản này ngày càng khó.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm