Vẫn theo sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay (31/10) đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục nêu một số quan điểm đáng chú ý. Ở hàng ghế khách mời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chăm chú lắng nghe và ghi chép.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã “phê” Ngân hàng Nhà nước chậm báo cáo kết quả giải quyết một trong bốn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng là vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại, cổ phần yếu kém, thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. |
“Tôi muốn nhấn mạnh, ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe, và tôi băn khoăn với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần nhỏ yếu kém, tội đồ chính gây bất ổn hệ thống, đang được tái cơ cấu”, đại biểu Đồng nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu này, cần kiểm tra lại “sức khỏe” tổng thể của hệ thống ngân hàng. Đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng, bao gồm nợ tín dụng, một cách thực chất, từ đó tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Chủ sở hữu hay các cổ đông hiện hữu không có, phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới. Vốn trong nước không đủ, phải gọi vốn nước ngoài. Nếu không được, phải cắt bỏ, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc đóng cửa ngân hàng, đại biểu Đồng đề nghị.
Vị đại biểu - doanh nhân này cũng góp ý, rằng không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ hay xử lý nợ xấu qua công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) "một cách tình thế và khiên cưỡng" như hiện nay, bởi cách làm này, theo ông là tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, một số ý kiến khác tại phiên thảo luận sáng nay cũng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ thời gian gần đây và coi kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại là điểm sáng hơn cả trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận một số đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ. Như, việc giữ vững được tỷ giá và ổn định lãi suất, chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, dự trữ ngoại hối liên tục tăng, cán cân thương mại được cải thiện góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai là thành tích đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước.
Tăng trưởng tín dụng tuy chưa đạt yêu cầu nhưng đã hướng đến các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, nông nghiệp, nông thôn và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, cũng còn ý kiến cho rằng, hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém, dư nợ tín dụng tăng nhưng không phải do doanh nghiệp được vay tiền để đưa vào sản xuất, mà chủ yếu là các ngân hàng tập trung mua trái phiếu Chính phủ. Nợ xấu đang là nguy cơ gây vỡ nợ ngân hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, duy trì tỷ giá, ổn định giá vàng sát với giá thị trường thế giới, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ, điều hành giá, đảm bảo kiềm chế lạm phát. Cần có biện pháp huy động vàng trong dân (ước tính từ 300-500 tấn), bình ổn thị trường vàng, tạo nguồn lực quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cần báo cáo bổ sung việc dòng tiền chảy ra nước ngoài qua du lịch, khám bệnh, du học…