* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Chuyện tình đơn phương của Ngạn trong Mắt biếc của Victor Vũ đã xao động màn ảnh những ngày qua. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra và cố tìm lời giải đáp: “Tại sao Ngạn và Hà Lan chẳng thể nên duyên?”, “Tại sao Hà Lan yêu Dũng?”, “Tại sao Hồng và Trà Long chọn Ngạn?”…
Nhưng còn một câu hỏi khác, dù ít được đặt ra nhưng lại là một trong những chìa khóa trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh cũng như Mắt biếc của Victor Vũ là: Ngạn có thực sự yêu Hà Lan không?
Ngạn đã yêu Hà Lan bằng một tình yêu thuần khiết và thiêng liêng. |
Tình yêu trọn vẹn
Ngạn chưa từng nói trực tiếp lời yêu với Hà Lan, ở cả nguyên tác văn học lẫn tác phẩm điện ảnh của Victor Vũ. Có chăng đó chỉ là những câu hát do chính Ngạn sáng tác mà dạo đầu chàng trai còn phải “đổ” cho Cung Tiến, Phạm Đình Chương hay Trịnh Công Sơn.
Những người mộ điệu văn chương Nguyễn Nhật Ánh và cả rất nhiều khán giả xem phim những ngày qua vẫn không thôi trách Ngạn. Vì chính sự rụt rè, nhút nhát khiến anh trở thành kẻ si tình đơn phương dù trong phim Hà Lan đã hơn một lần mở lòng.
Trong xử lý điện ảnh của Victor Vũ, lần hiếm hoi Ngạn dám gọi đúng tên tình cảm của mình là lá thư mà anh để lại cho Trà Long - con gái Hà Lan. Ngạn khước từ tình cảm của Trà Long vì “trái tim nhỏ bé chỉ đủ chỗ cho người mẹ yêu dấu của con”.
Ngạn nhận ra mối tình với Trà Long chỉ là sự nối dài trong mối tình đơn phương với Hà Lan qua một bóng hình khác. Ngạn quyết định ra đi vì muốn giữ trọn vẹn tình yêu thủy chung với Hà Lan, với đôi mắt biếc năm nào.
Suốt diễn biến của Mắt biếc, không khó để nhận ra Ngạn đã yêu Hà Lan bằng một tình yêu thuần khiết và thiêng liêng. Tình yêu không vụ lợi, không toan tính.
Cũng như trong nguyên tác văn học, Ngạn trong phim Mắt biếc không phải vì ghen mà đánh nhau với Dũng. Ngạn đánh nhau với Dũng chỉ vì Dũng làm khổ Hà Lan, yêu Hà Lan mà qua lại với Bích Hoàng. Đó là kết quả của “yêu là mong người mình yêu được hạnh phúc”.
Sự chăm sóc, chở che mà Ngạn dành cho Trà Long trước hết xuất phát từ tình thương dành cho một đứa bé thiếu vắng bóng cha. Nhưng cũng được cho là còn xuất phát từ tình yêu mà Ngạn dành cho Hà Lan.
Như mẹ Hà Lan một lần nói với con gái mình: “Chẳng có người đàn ông nào chăm lo, yêu thương đứa nhỏ mà không để ý đến mẹ của nó”. Dù Hà Lan vẫn một mực: “Ngạn là bạn thân của con mà mẹ”.
Từ nguyên tác văn học đến tác phẩm điện ảnh, tình yêu mà Ngạn dành cho Hà Lan là không thể phủ nhận. Song, Ngạn có chấp nhận hy sinh tất cả vì Hà Lan không lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Ngạn luôn muốn Hà Lan về Đo Đo. |
“Đo Đo là tất cả của Ngạn”
Tình yêu mà Ngạn dành cho Hà Lan không phải tình yêu “đi cùng nhau đến cùng trời cuối đất” như người ta vẫn thấy trong một số tác phẩm văn học. Có nhiều chi tiết trong cả phim lẫn truyện dẫn chứng cho điều này.
Khi Ngạn tốt nghiệp sư phạm, Ngạn về dãy nhà trọ cũ tìm Hà Lan. Hà Lan hỏi Ngạn về dự định công việc, không mảy may suy nghĩ, Ngạn trả lời: “Ngạn sẽ về Đo Đo vì Đo Đo là tất cả với Ngạn”.
Hà Lan sau đó không nói gì, chỉ bảo: “Ngạn ăn trước đi, Hà Lan không đói”.
Một lần khác, khi Hà Lan đang chán chường bản thân. Cô trách mình tệ bạc vì từng nghĩ nếu không có Trà Long, bản thân có thể bắt đầu lại cuộc đời. Hà Lan sau đó chủ động ôm Ngạn, còn Ngạn thì an ủi: “Hà Lan hãy về Đo Đo, Ngạn sẽ chăm sóc cho Hà Lan”.
Câu nói đã chẳng thể giúp Hà Lan giải tỏa. Hà Lan một lần nữa hiểu ra rằng tình yêu mà Ngạn dành cho Đo Đo thậm chí lớn hơn mình. Dường như Đo Đo mới là tất cả của Ngạn, không phải Hà Lan.
Có lẽ, đó cũng là lý do để sau này cô nói với Trà Long về mối quan hệ với Ngạn: “Hai người khác nhau lắm, chỉ nên làm bạn thôi, sẽ bền hơn”.
Mắt biếc không chỉ là mối tình đơn phương của Ngạn. Đó còn là tình yêu quê hương, xử sở. |
Ngạn yêu hình ảnh Hà Lan ở Đo Đo
Mắt biếc thực ra không chỉ là khúc tinh si, là mối tình đơn phương của Ngạn. Đó còn là tình yêu quê hương, xứ sở. Hai tình cảm ấy không tách rời nhau.
Trong mắt Ngạn, Hà Lan “đẹp như tiên” nhưng phải là mặc áo dài xanh, xõa tóc ngang lưng, cùng đạp xe song song bên con đường làng vương xác pháo. Để rồi, thỉnh thoảng Ngạn cố tình đi lùi lại phía sau ngắm nhìn.
Còn Hà Lan sẽ “thật tệ” trong góc nhìn của Ngạn khi mặc quần tây ống bó và chiếc áo tay phồng với đủ thứ thêu ren cùng mái tóc đã được cắt ngắn.
Ngạn cũng rất buồn khi Hà Lan quả quyết: “Chừng nào ra thành phố, Ngạn sẽ thấy. Thành phố đẹp tuyệt vời. Đẹp hơn làng mình nhiều. Đẹp gấp nghìn lần phố huyện".
Chẳng những buồn mà còn giận vì trong mắt Ngạn: "Không ở đâu đẹp bằng làng mình".
Ngạn lưu giữ mãi những kỷ niệm với Hà Lan. Đó là khi hai người thơ thẩn ở rừng sim, chơi trò trốn tìm giữa những màu hoa tím hay là khi cùng nhau đi xuyên qua mé rừng, đứng trầm ngâm trước cánh đồng cỏ xanh để ngắm vẻ huy hoàng của mặt trời đang chìm dần xuống thung lũng mù sương.
Ngạn cũng không thể quên được những khi ngồi bên Hà Lan dưới giàn hoa thiên lý lấp lánh ánh trăng, hát cho Hà Lan nghe những bản tình ca mới viết.
Ngạn đắm đuối, say mê và thích hình ảnh Hà Lan của ngày xưa, giản dị và hồn nhiên ở làng Đo Đo ấy. Còn khi thấy một Hà Lan của hiện đại, của thành phố, của những chiếc bánh Mỹ ở nhà cô của Hà Lan, Ngạn lại cảm thấy lúng túng, gò bó, nói năng cứ ngượng nghịu.
“Nhìn những chùm đèn lấp lánh treo lơ lửng trên trần nhà và những dãy tủ kính sang trọng kê dọc tường, tôi xụi lơ, hết muốn nói chuyện”, là Ngạn đã nói với lòng mình như vậy.
Những câu chuyện mà Ngạn định nói về phiên chợ làng, về mùa thị chín, về những buổi chiều len lỏi trong rừng tìm bông dủ dẻ, tỏ ra chẳng thích hợp trong khung cảnh của phố xá lộng lẫy, xa hoa. Và cứ thế, Ngạn và Hà Lan dần lạc lõng với nhau trên thành phố.
Ngạn yêu Hà Lan thực sự và cũng yêu làng Đo Đo thực sự. Tình yêu đôi lứa gắn liền bền chặt với tình yêu quê hương. Nhưng hai thứ tình ấy đã chẳng thể cùng lúc vẹn toàn.
Cả phim hay truyện đều có cái kết hụt hẫng dù khác biệt trong xử lý. Ngạn quyết định rời Đo Đo, trong khi, mối tình giữa anh và "mắt biếc" Hà Lan cũng chưa thành.