Hai ngày qua, hàng trăm người dân đổ xô ra bờ biển dài hơn 2 km từ xã Thịnh Lộc đến thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) để bắt sò lông. |
Người dân cho biết do biển động, sóng lớn, hàng tấn sò lông cùng các loài nhuyễn thể bị đánh dạt vào bờ. Hiện tượng này không có gì lạ và từng xuất hiện nhiều sau các đợt mưa lớn, bão. |
Những người đàn ông sẽ dùng vợt, rổ nhựa, bao tải rồi vượt sóng, lội bộ cách bờ khoảng 50 m để vớt sò. Biển động khiến họ nhiều lần bị từng đợt sóng cao xô thẳng vào người. |
Trên bờ, rất đông phụ nữ và trẻ em đi cùng ngồi đợi để hỗ trợ phân loại, nhặt sò lông cùng các loài nhuyễn thể còn sống. |
"Thấy nhiều người đi vớt sò nên vợ chồng tôi cũng tranh thủ đi cùng. Nước biển khá lạnh nên chỉ cào được khoảng 5-7 kg về ăn, ai mua cũng bán", ông Thư (60 tuổi, trú xã Thạch Kim), nói. |
Dụng cụ để bắt sò lông là chiếc vợt có cán sắt hoặc tre, dài khoảng 1,5 m, gắn lưới dài 2 m . |
Cứ khoảng 20 phút ngâm mình dưới nước biển, họ lại mang lên bờ khoảng 10 kg sò, ốc lẫn các loài nhuyễn thể. Lúc này những người trên bờ sẽ phân loại, nhặt ra con sống, phần vỏ của con đã chết được gom lại thành đống. |
"Những lần trước sò dạt hẳn vào bờ chỉ việc nhặt ra con sống mang về còn đợt này biển động, nước lớn nên phải lội bộ ra vớt vào. Cứ 10 kg kéo lên may mắn nhặt được một kg sò còn sống", anh Huy (28 tuổi, trú thị trấn Lộc Hà), cho hay. |
Sò lông còn sống khi nhặt dưới biển lên vỏ sẽ mở, có thể nhìn thấy ruột. |
Người dân đưa sò lông về sẽ tách lấy ruột hoặc bán chưa qua sơ chế với giá 10.000-20.000 đồng/kg |
Vỏ sò, ốc dày đặc trên bãi biển Xuân Hải. Ông Văn Thành Đô, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà), cho biết việc sò lông dạt vào bờ rải rác từ cơn bão số 8 hồi tháng 10 đến nay. Tuy nhiên, lượng sò lông, ốc... ít hơn các lần trước. |