“Tiêu những đồng tiền chết tiệt của các người đi!”, đầu năm 2013, CĐV Arsenal đã khóc lóc, gào thét như thế trong trận thua Chelsea ở Premier League. Sau 3 năm rưỡi, những tiếng kêu gào chưa có dấu hiệu dứt dù Pháo thủ đã bổ sung một vài ngôi sao Oezil, Sanchez, Welbeck, Cech, Xhaka...
Các CĐV đòi hỏi là bởi lực lượng của họ không ổn chút nào trong khi các đối thủ đều mạnh lên thấy rõ. Wilshere lại chấn thương (như thường lệ) trước khi mùa bóng khởi tranh. Mertesacker và Gabriel Paulista cũng chấn thương khiến Arsenal chỉ còn một trung vệ đáng tin cậy. Trên hàng công, Welbeck chỉ có thể bắt đầu mùa bóng từ nửa sau.
Điều đó có nghĩa rằng khi Premier League sắp sửa khởi tranh với trận đại chiến gặp Liverpool, Pháo thủ vẫn đang hổng cả 3 tuyến. Arsene Wenger thì chẳng có vẻ gì là sốt ruột cả. Ông vẫn dùng dằng với thương vụ Mustafi và nâng lên đặt xuống Lacazette. Có lẽ Giroud vẫn là tiền đạo mũi nhọn, hoặc Alexis Sanchez, hoặc là Walcott - người chưa ghi nổi 100 bàn trong suốt hơn 10 năm.
Wenger vẫn bình chân như vại dù đúng ra phải là người xăng xái nhất. Tóm lại thì ngài Giáo sư đang “âm ưu” gì đây?
Tại sao Arsenal keo kiệt
Lý lẽ thường được viện ra để giải thích cho phong cách chi tiêu tiết kiệm của Arsenal là việc xây sân bóng mới. Sân Emirates được xây với chi phí 430 triệu bảng mà đa số là tiền đi vay khiến Pháo thủ phải dè xẻn.
Nhưng cần lưu ý rằng sân Emirates đã mở cửa từ năm 2006 với 60.000 ghế luôn được lấp đầy và giá vé thì thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo thống kê, mỗi trận đấu sân nhà đem lại cho Pháo thủ nguồn thu trên 3 triệu bảng.
Ngoài ra, Arsenal còn kiếm được kha khá từ việc bán tên sân bóng mới cũng như kinh doanh bất động sản trên sân cũ Highbury. Những năm gần đây, doanh thu của họ luôn đứng thứ 5-6 trong số các CLB châu Âu. Bởi thế, Arsenal gần như không còn bị ảnh hưởng bởi việc xây ngôi nhà mới.
Wenger tiết kiệm là bởi ông có một cách định giá cầu thủ của riêng mình dựa trên những chỉ số phân tích thu lượm được. HLV người Pháp sẽ không sẽ không mua một cầu thủ với cái giá vượt trên giá mà ông ước lượng.
Nếu Wenger định giá Lacazette là 30 triệu bảng, ông sẽ không mua tiền đạo này với giá đắt hơn. Và nó giải thích cho một giai thoại cười ra nước mắt, khi Wenger hỏi mua Luis Suarez với giá 40 triệu + 1 bảng.
Lyon quá mệt mỏi với cách làm việc của Arsenal và chấm dứt mọi liên lạc bằng cách nâng giá Lacazette lên 60 triệu bảng. |
Quan điểm của Wenger trùng khớp với cổ đông lớn nhất Stan Kroenke - một tỷ phú đầu tư vào Arsenal với mục đích làm ăn thuần túy. Nó cũng được hưởng ứng nhiệt tình bởi CEO Ivan Gazidis, một doanh nhân có quan điểm kinh doanh hết sức dè dặt.
Đó mới là điều đáng quan ngại với các gooner: Họ không thể bắt Wenger thay đổi khi ý chí của ông cũng là ý chí của những nhân vật cộm cán ở CLB.
Thực tế là nếu muốn thay đổi thì Arsenal đã thay đổi rồi. Cổ đông số hai, tỷ phú người Nga Alisher Usmanov những năm qua đã liên tục yêu cầu CLB phải chi tiền mua ngôi sao nhưng đành bất lực.
“Mưu đồ” của Wenger
Wenger luôn muốn phát triển CLB theo hướng bền vững. Với ông, chạy đua giành giật cầu thủ sẽ dẫn đến nợ nần, phá sản.
Dưới góc nhìn của bộ ba Wenger, Kroenke, Gazidis, thế giới bóng đá đang phát triển như bong bóng và quả bóng ấy có thể nổ tung bất kỳ lúc nào. Bởi thế mà thỉnh thoảng Wenger lại dè bỉu một đối thủ khi họ mua một cầu thủ với cái giá vượt xa giá trị mà ông tự ước lượng.
Mới đây nhất, Wenger chê bai bản hợp đồng 100 triệu bảng mà Man United ký với Paul Pogba (HLV Jose Mourinho đã phản pháo rằng đó là một bình luận “vô đạo đức”).
Wenger vẫn đang chờ tiếng nổ từ quả bong bóng kinh tế. Khi ấy Arsenal sẽ mua được những cầu thủ chất lượng với giá mềm. Nhưng đó cũng chỉ là một giả thiết.
Liệu Arsenal có thể vô địch với tân binh đắt giá duy nhất trong kỳ chuyển nhượng hè- Granit Xhaka? |
Thống kê chỉ ra rằng trong 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hồi đầu thế kỷ 20 thì đến nay một nửa đã biến mất. Cùng khoảng thời gian ấy, số CLB bóng đá chuyên nghiệp phá sản là rất ít và đều chỉ là các CLB ở những hạng đấu thấp. CLB bóng đá còn “thọ” hơn cả ngân hàng.
Wenger từng lấy bằng cử nhân kinh tế nhưng đã phạm sai lầm lớn khi tự mình định giá cầu thủ. Trên thực tế, giá chuyển nhượng cầu thủ vận động theo cơ chế thị trường và quy luật cung cầu mà không một ai có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình lên đó.
Khi bản quyền truyền hình Premier League tăng 70% so với mùa trước, giá chuyển nhượng cầu thủ cũng vận động như một lẽ tự nhiên.
Wenger từng rất thành công khi dùng tiền bán Anelka để mua Henry, Pires và mở ra một kỷ nguyên đại thành công của Pháo thủ. Nhưng đó đã là câu chuyện của thế kỷ trước. Thời đại này các tuyển trạch viên nhan nhản trên khắp các sân bóng và không dễ để săn được một mặt hàng chất lượng giá rẻ nữa.
Chính sách mua rẻ - bán đắt của Wenger từ lâu đã chết yểu. Và khi không chịu ký những hợp đồng lớn, đội bóng của ông chỉ còn đủ sức cạnh tranh Top 4. Thậm chí mùa bóng này rất có thể sẽ là lần đầu tiên Wenger không giành được vé Champions League cho Arsenal.
Wenger chờ Luật công bằng tài chính
Wenger rất hứng thú với Luật công bằng tài chính của UEFA (gọi tắt là FFP). Luật này khi có hiệu lực hoàn toàn sẽ ngăn chặn các CLB chi tiền vô tội vạ và giá cả, lương bổng của cầu thủ sẽ được kiểm soát.
Nhưng cái ngày tươi đẹp ấy có lẽ sẽ không bao giờ đến. FFP được công bố vào năm 2009, ngay sau kỷ lục chuyển nhượng của Cristiano Ronaldo, nhưng đến nay vẫn bị hoãn thực hiện bởi vô số những lời phản đối.
Trong 7 năm ấy, kỷ lục chuyển nhượng đã bị phá 2 lần bởi Bale và Pogba, bên cạnh hàng loạt thương vụ bom tấn khác (Neymar, Suarez, James Rodriguez, Higuain...). Các ông lớn chưa có ý định ngừng chi tiền, còn cha đẻ của FFP, ông Michel Platini thì đã bị “treo giò” khỏi bóng đá.