Hoàng Anh thở dài khi đọc được tin giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, để có thể đổ đầy bình xăng xe máy, cô sẽ phải tốn gần 140.000 đồng thay vì 80.000 đồng như trước đó vài tuần.
Do nơi sinh sống nằm ở xa khu vực trung tâm Hà Nội, nữ sinh viên năm 2 cho biết cô phải di chuyển hơn 20 km để đến công ty. Như vậy, quãng đường cả đi lẫn về của cô ít nhất là 40 km mỗi ngày. Cứ khoảng 4 ngày hoặc ít hơn, cô lại đổ xăng một lần.
“Nếu tính theo mức giá hiện nay, chi phí đi lại sẽ chiếm khoảng 1 triệu đồng, tương đương 1/3 tháng lương thực tập ít ỏi của tôi”, Hoàng Anh, nhân viên part-time của một công ty dịch vụ, chia sẻ.
Hoàng Anh di chuyển 40 km/ngày để lên văn phòng làm việc. |
Thỉnh thoảng, Hoàng Anh sẽ đi chung xe với đồng nghiệp để tiết kiệm tiền xăng. Tuy nhiên, cô vẫn chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân vì tính linh động của nó. Ngoài ra, thay vì tụ tập bạn bè vào ngày nghỉ như trước đây, cô thấy bản thân ở nhà nhiều hơn.
“Bỗng nhiên, khoản tiền tôi chi trả cho xe cộ trong một tháng tăng gần gấp đôi”, cô nói.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng nhiều lần và liên tục lập đỉnh đã gây ảnh hưởng lên nhiều mặt đời sống. Để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu, nhiều người trẻ chọn cách tự thay đổi lối sống sinh hoạt của mình. Họ ở nhà nhiều hơn, giảm tần suất đi chơi và hạn chế ăn uống bên ngoài.
Không còn muốn ra đường
Cuối tuần vừa qua, Lê Trung Anh (25 tuổi, TP.HCM) không khỏi nuối tiếc khi khước từ lời mời đi xem phim cùng bạn bè ở quận 1.
“Thế nhưng, tôi thấy mình buộc phải làm vậy vì tiền đổ xăng lúc này còn đắt hơn cả tiền vé xem phim”, anh chia sẻ.
Trung Anh chủ động ở nhà nhiều hơn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. |
Trung Anh thừa nhận chi phí đi lại tăng cao đã ảnh hưởng thói quen chi tiêu thường ngày của anh. Anh cho biết mình phải chi thêm 40.000 đồng cho mỗi lần đổ xăng. Trong khi đó, thu nhập hàng tháng vốn chỉ đủ để anh trang trải sinh hoạt phí, thậm chí có đôi lần thiếu hụt.
Từ một người thường xuyên di chuyển lên khu vực trung tâm thành phố để tụ tập với bạn bè, anh dành phần lớn thời gian ở nhà. Những cuộc hẹn cứ thế thưa dần.
“Tôi sống ở quận 9, còn hầu hết bạn bè thân thiết lại ngụ tại các quận 1 và 3. Mỗi lần gặp nhau sẽ tốn khoảng 30 phút di chuyển bằng xe máy. Hiện giá xăng tăng kỷ lục, cùng với sự xuất hiện của nhiều ca mắc Covid-19 trong thành phố khiến tôi gần như không còn hứng thú với việc ra ngoài”, anh nói.
Anh Tâm (24 tuổi, TP Thủ Đức) cũng xác định sẽ ở nhà nhiều hơn với tình hình giá xăng dầu hiện nay. Cô cảm thấy may mắn khi có công việc linh động cho phép mình work from home và chiếc xe máy “hỏng đúng thời điểm”.
Trước đó, cô có thói quen ra quán cà phê làm việc, đồng thời thường xuyên lái xe máy 9-11 km tới các quận trung tâm thành phố để gặp gỡ và ăn uống với bạn bè.
Tuy nhiên, việc giá xăng liên tục tăng khiến cô phải điều chỉnh lại tần suất di chuyển của mình. Cô không muốn chi tiền triệu mỗi tháng cho xăng xe, thay vì chỉ 300.000-400.000 đồng như trước.
Cước phí của chuyến xe ôm công nghệ tối 8/3 gây bất ngờ cho Anh Tâm. |
Hiện Anh Tâm chủ động từ chối nhiều cuộc hẹn gặp và chăm chỉ nấu nướng ở nhà hơn. Nếu có việc cần ra ngoài, cô sẽ sử dụng ứng dụng đặt xe và áp dụng các mã giảm giá. Cô nghĩ cách thức này sẽ tiết kiệm hơn so với việc chi tiền đổ đầy bình xăng.
Cô duy trì lối sinh hoạt mới này kể từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, chuyến xe ôm công nghệ vào tối 8/3 đã khiến cô suy nghĩ lại.
“Do ít dùng dịch vụ, tôi bất ngờ khi thấy cước phí cho quãng đường 9,6 km lên tới 118.000 đồng. Hơn nữa, tôi đặt xe vào khung giờ cao điểm và trùng ngày lễ nên không áp dụng được mã giảm giá nào”, cô nói.
Mặc dù cước phí cao, Anh Tâm cho biết cô mất tới gần một tiếng để tìm được tài xế. Cô nghĩ rằng họ ngại nhận cuốc xe này do điểm trả nằm cách khá xa trung tâm thành phố, sẽ mất thêm tiền xăng di chuyển để bắt khách mới.
Thông tin một ứng dụng đặt xe tăng cước phí kể từ ngày 10/3 càng làm Anh Tâm thêm lo lắng. Cô cho biết rất có thể các hãng dịch vụ xe công nghệ khác cũng sẽ thực hiện tương tự trong thời gian tới.
“Hy vọng tôi sẽ không có nhiều kế hoạch bất ngờ cần phải ra đường”, cô chia sẻ.