Cuốn tự truyện Mike Tyson - Sự thật trần trụi vừa ra mắt độc giả Việt Nam với bản dịch của Trần Minh. Cuốn sách gây choáng ngợp bởi câu chuyện về cuộc đời Tay đấm thép làng quyền Anh thế giới.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành là NXB Văn học & Đông A, Zing xin được giới thiệu tới độc giả trích đăng cuốn sách best-seller này.
Một ngày trước trận đánh, tôi cân nặng một trăm ký. Chưa bao giờ tôi thượng đài với trọng lượng khủng khiếp đến như vậy. Nhưng tôi vẫn nhận được món tiền thưởng từ Don. Một ngày trước trận đánh, tôi chén hai em dọn phòng cùng lúc, sau khi hai nàng rời đi thì có thêm hai nàng khác vào "xa luân chiến".
Tôi không hề chú ý những thông tin liên quan đến Douglas. Sau này tôi mới biết anh ấy có quá nhiều động lực để mang vào trận đánh. Vợ anh ấy vừa mới qua đời vì bệnh nan y, không lâu sau đến lượt mẹ anh ấy mất. HBO dội rất nhiều tin về việc này, làm nhiều phóng sự để trận đánh thêm phần kịch tính. Nhưng tôi kiêu ngạo đến mức nếu biết chuyện, tôi sẽ nói: "Vậy thì tôi sẽ tiễn anh ta về địa ngục để hội ngộ với mẹ mình."
Mike Tyson và Buster Douglas trước trận đấu vào tháng 2/1990. Douglas vừa trải qua nhiều mất mát còn Mike thì quá kiêu ngạo. |
Chúng tôi đánh nhau vào lúc chín giờ sáng để thuận lợi cho việc theo dõi của khán giả Mỹ. Vừa bước lên sàn, tôi nhận ra ngay mình không còn là Tyson của những trận đánh trước đó nữa.
Tôi nặng nề và đánh bừa bãi. Tôi tung ra rất nhiều cú đấm với hết lực tay vì tin chỉ trúng một cú là Douglas sẽ vô phương gượng dậy. Nhưng Douglas đã chuẩn bị cho cuộc đấu này rất tốt, cả về chiến thuật, kỹ thuật lẫn tinh thần. Anh ấy tận dụng sải tay dài của mình để không cho tôi áp sát và tung ra những cú đấm cận tay.
Đến khi tôi dùng toàn bộ sức nặng cơ thể để đấm thì anh ấy lập tức ôm tôi lại, rất thông minh.
Còn về phần mình, tôi cứ thế mà đấm, đấm ngu đấm ngốc, đấm bậy đấm bạ. Tôi kiêu ngạo đến mức không thèm lắc đầu theo kỹ thuật, cứ như thể là Douglas sẽ chả đời nào có thể đấm mình vậy. Nhưng Douglas đã tận dụng rất tốt những khi hết giờ để tung ra những cú đấm bất ngờ. Vậy là tiểu xảo, nhưng nó là một phần của quyền Anh và tôi không bao giờ dùng nó để viện cớ cho thất bại của mình.
Tôi bị ăn hai cú đấm ở hiệp bốn và hiệp năm, mắt bắt đầu sưng lên. Đến hiệp sáu thì tôi kiệt sức vì đã vận quá nhiều lực vào những cú đấm vô hại trước đó. Đến hiệp mười, bảo hộ răng của tôi văng ra khỏi miệng, tôi không thể nhấc mình lên nổi nữa. Tôi nghe trọng tài đếm đến mười bên tai mình trước khi được dìu về góc khán đài.
"Chuyện đếch gì đang xảy ra vậy?"
"Ngài bị nốc ao rồi, nhà vô địch ạ. Ngài đã thua."
Tôi đã phải đón nhận một kết cục không thể tránh khỏi. Tôi đã thua trận đấu từ trước khi nó diễn ra. Tôi từ chối tham dự buổi họp báo sau trận đấu của HBO vì đầu óc vẫn còn đang ong ong.
Và nhà vô địch đã bị nốc ao! |
Xứng danh ông bầu triệu đô, chỉ trong vòng có vài phút, Don đã tổ chức được một cuộc họp với quan chức WBC và WBA. Jose Sulaiman, chủ tịch WBC, quyết định hoãn việc công bố nhà vô địch lại bởi trọng tài đã không nhận hiệu lệnh từ người bấm giờ. Chính trọng tài cũng thừa nhận sai lầm và Sulaiman lập tức yêu cầu tổ chức một cuộc tái đấu. Lúc này tôi đã tỉnh táo trở lại và đến cuộc họp ấy, đeo một cặp kính to để che con mắt đang sưng vù. Tôi thừa nhận mình đã thất bại và ngóng chờ cuộc tái đấu:
"Mọi người đã biết tôi nhiều năm qua. Tôi không đổ thừa hay phàn nàn. Tôi sẽ nốc ao gã vì gã đã nốc ao tôi hôm nay. Tôi muốn tiếp tục làm nhà vô địch thế giới."
Tôi trở về khách sạn, ngạc nhiên vì không thấy cô nàng hầu phòng nào ra chào đón mình cả. Tôi không còn là nhà vô địch nữa, cảm giác thật lạ lẫm.
Lúc ấy trong đầu tôi diễn ra nhiều luồng suy nghĩ. Chúa không bao giờ trừng phạt những giống loài yếu đuối, Chúa chỉ tiêu diệt những con vật khủng khiếp nhất, như khủng long chẳng hạn. Những con vật nhỏ bé không làm Ngài tức giận. Tôi nằm lên giường, trong lòng chợt nghĩ: phải chăng Chúa cũng ganh tỵ với mình!
Chuyến bay từ Tokyo về nhà ngỡ như dài bất tận. Mắt tôi vẫn còn bầm đen nên tôi phải mang cái kính đen to đùng mượn của Anthony Pitts. Tôi nói chuyện rất nhiều với Anthony trong suốt chuyến bay.
"Rồi mày cũng bỏ tao mà đi thôi."
"Mike, không bao giờ," nó nói. "Mày chả thể sa thải tao mà tao cũng không thể nghỉ. Tụi mình sẽ dính với nhau. Nghỉ ngơi đi, mày sẽ thấy khá hơn khi vết bầm tan đi."
Chúng tôi về thẳng nhà Camille khi đáp xuống nước Mỹ. Sáng ngày hôm sau, Anthony thức dậy lúc bảy giờ. Vừa bước xuống nhà là nó thấy tôi đang gập bụng và hít đất.
"Mặt trời mọc ở hướng tây à? Tập luyện vào giờ này ư?" nó nói.
"Tao chỉ muốn tập trung vào việc gì đó thôi," tôi nói.
Tôi nói chuyện với Camille. Bà đã ngồi ở hàng ghế đầu để xem trận đấu thê thảm của tôi. Bà nghĩ cơn mụ mị ngoài đời đã đánh sụm tôi.
"Ta không thấy con tung ra những quả đấm uy lực thường thấy. Nom như con muốn thua cuộc vậy. Có thể con đã sớm mệt mỏi với cái nghiệp này rồi."
Mike Tyson với con mắt sưng vù vì bị Douglas đấm. |
Có lẽ bà đã đúng. Tôi tin vào lý thuyết của Cus: điều tệ nhất của một thất bại là ta không rút ra được bài học gì từ nó. Cus luôn nói sàn đấu chính là một ẩn dụ của cuộc đời. Thua cuộc không có nghĩa lý gì, vấn đề là làm gì sau thất bại ấy? Để cho nỗi buồn nhấn chìm ta xuống vũng lầy thất vọng hay ngoi lên và tìm đường trở lại? Sau này, tôi luôn nói với mọi người rằng trận đánh với Douglas cũng chính là trận đánh hay nhất, trận đánh mà tôi thích nhất. Bởi nó chứng tỏ tôi có thể đứng dậy sau thất bại, như một người đàn ông.
Tôi ở lại Catskill thêm ít ngày, chơi với lũ bồ câu và đọc thêm ít sách, để xem những người hùng của mình ứng xử thế nào sau những trận thua.
Tony Zale đã vượt qua nỗi buồn thất trận trước Rocky Graziano thế nào. Joe Louis đập Max Schmeling bê bết như chưa từng bại trận trước đó ra sao. Hay như Ali, cũng quay lại mạnh mẽ sau thời gian "lưu đày" vì nỗ lực phản chiến. Trong khi đó, Sugar Ray Robinson đã làm mọi cách để kiềm chế sự thịnh nộ khi bị người ta thêm chữ "cựu" trước danh hiệu "vô địch quyền Anh" của mình.
Bệnh "ái kỷ" trong tôi trở lại và tôi tin mình chính là thế hệ tiếp nối của những huyền thoại ấy. Tôi tin chắc rồi mình sẽ lấy lại những gì đã mất, từ chiếc đai kia cho đến sự tôn nghiêm trên sàn đấu. Và để làm được điều đó, tôi phải cách xa cuộc sống hoang đàng trước kia, phải lên núi vào rừng để "luyện công", giống như những bậc thầy karate trong phim của hãng Shaw Brothers vậy. Nghe ngầu không? Tôi là một con chuột cống mơ chuyện đội đá vá trời.
Thất bại của tôi khiến thế giới quyền Anh một phen nhốn nháo. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, mọi tờ báo lớn đều kịch liệt phản đối ý tưởng không công nhận chức vô địch của Douglas. Ngay sau khi vừa đặt chân xuống đất Mỹ, áp lực khủng khiếp từ truyền thông làm Jose Sulaiman hoảng hốt, và ông ta chối sạch những gì mình đã nói ở Nhật Bản.
Lúc này, Don chỉ còn cố phù phép làm sao cho trận tái đấu diễn ra càng nhanh càng tốt. Lão năn nỉ Evander Holyfield tạm... dời trận đánh của y lại để cho tôi đánh trước. Nhưng người của Holyfield còn lâu mới nhượng bộ. Bởi vì chỉ cần Evander đánh bại Buster và trở thành nhà vô địch mới, Don sẽ chính thức văng khỏi ngai vàng của mình.
Trận thua Buster Douglas đã giáng một đòn chí mạng vào sự kiêu ngạo của Mike Tyson. |
Có một vài phóng viên không che giấu được nỗi hân hoan khi chứng kiến tôi thất trận. Mike Lupica, một tên hèn nhát bé mọn từ tờ New York Daily News viết về thất bại tôi như thể vừa chứng kiến cái chết của Satan.
"Một kẻ bạo hành với phụ nữ, trở mặt với bạn bè, quay lưng lại với những người từng nâng bước hắn lên ngôi vô địch không xứng đáng được xót thương. Hành xử của gã khiến cho ta thấy loài chó thật trung thành biết bao. Người ta có thể tha thứ cho Tyson vì phông văn hóa kém cỏi, nhưng không thể dung thứ cho hành động vô ơn để trở về với lối sống bản năng. Kết thúc duy nhất cho một kẻ như thế là cái chết."
Chu choa! Viết thế mới là viết chứ nhỉ!
Trên ESPN, tôi đứng trước câu hỏi vì sao người ta lại thích bàn tán về mình đến thế. Và tôi nói:
"Tôi tin rất nhiều người ngoài kia muốn chứng kiến sự tự sụp đổ của tôi. Họ đợi chiếc còng số tám sẽ là vật trang sức mới cho đôi tay tôi. Họ muốn thấy cảnh sát lôi tôi vào xe và chở thẳng đến tù, kiểu như con trai của Marlon Brando ấy. Rồi người ta sẽ nói với nhau: Tao nói có sai đâu. Thế nào nó chẳng đi đến kết cục ấy. Nhưng tôi không ở tù, tôi cũng chẳng ở Brownsville, tôi sẽ trở lại và đập tan những định kiến ấy."
Don kéo tôi đến một vài cuộc họp báo để cố lấy lại hình ảnh nhưng tôi không giấu được con người thật bên trong.
"Không ai là bất khả chiến bại cả," tôi nói. "Thỉnh thoảng vẫn sẽ có một kẻ xuất hiện và đánh bại những người giỏi nhất. Vâng, Buster đã tống cho tôi một đạp vào mông. Tôi không hề tập luyện cho trận đánh ấy, tôi đã xem nhẹ nó. Ở Nhật Bản, trong lúc anh ta tập như điên thì tôi lại chịch gái Nhật như điên. Tôi chơi gái nhiều như người ta ăn nho vậy. Nếu bắt gặp tôi trên giường ở Nhật Bản, dám bạn sẽ nhầm tôi là Caligula."
Ở L.A., tôi làm báo chí một phen cười bò khi kể lại cảnh mình xem lại trận đấu trên băng ghi hình.
"Tôi ngồi đó, xem băng và hô lên: Cúi xuống, Mike, cúi xuống! Nhưng ở trên màn hình, cái thằng tôi chẳng chịu cúi xuống gì cả. Cứ đưa mặt ra cho đối thủ đấm. Tôi hét to hơn nữa. Cúi xuống, sao ngu thế hả trời! Nhưng cái thằng đần trên ấy nhất định chả chịu nghe."
Một phóng viên hỏi tôi có cảm thấy suy sụp sau khi mất đai vô địch hay không. Và tôi nói:
"Gì mà suy sụp chứ! Tôi còn quá nhiều tiền để xài trước khi nghĩ đến chuyện tự sát. Bạn phải đối diện với những chuyện không như ý mình hằng ngày. Tôi thậm chí còn không khóc, tôi ước gì mình khóc được. Lần cuối cùng tôi khóc là khi tôi ly dị. Thật lòng mà nói thì, có thể anh chả tin đâu, tôi thấy nhẹ nhõm lắm. Rốt cục thì cũng không còn phải gánh cái áp lực của một nhà vô địch nữa."
Rời L.A., tôi về nơi trú ẩn quen thuộc của mình ở Catskill. Chỉ có điều, chốn ấy không còn trú ẩn được nữa. Cứ như nửa thế giới đã đổ dồn về ấy để phỏng vấn tôi. Bên ngoài nhà của Camille, cơ man nào là phóng viên Brazil cho đến phóng viên Anh, phóng viên của bán đảo Scandinavia cho đến phóng viên Nhật. Họ bấm chuông cửa nhà Camille và khiến bà nổi quạu.
"Làm ơn đừng tới đây nữa, để cho thằng nhỏ một mình. Nó vẫn là một đứa trẻ!" bà thét lên. "Các người làm vậy không thấy xấu hổ à."
Buster Douglas là người thắng trận, là nhà tân vô địch, vậy mà chả ai chú ý đến gã. Tất cả đều đổ xô đi tìm tôi. Tôi từng ngỡ như một trận thua sẽ khiến cho áp lực giảm đi, nào ngờ nó lại còn lớn hơn.
"Tôi từng muốn bỏ quyền Anh, nhưng giờ tôi chưa làm việc ấy được," tôi nói với một phóng viên. "Tôi cần phải cho quý vị thấy tôi thật sự là ai. Rồi quý vị chờ xem: tôi sẽ đánh còn dữ dội hơn trước khi thua trận."
Trong cơn hỗn mang ấy, tôi đón nhận một tin sét đánh khác: chị tôi qua đời. Chị là người duy nhất trên đời lúc ấy còn quan tâm đến tôi, bảo vệ tôi. Anh rể cho hay đêm trước khi mất, chị đã tọng không ít cocain. Tôi thật sự mong nó không phải là hệ lụy của việc phải suy nghĩ quá nhiều về tôi. Tôi vẫn nhớ câu nói cuối cùng qua điện thoại của chị, trong cái đêm trước ngày chị mất:
"Đi kiếm bố mà nói chuyện đi Mike. Làm ơn đi khám coi con mắt có sao hay không nữa."
Chị luôn gần gũi với Jimmy, cha đẻ của chúng tôi. Và chị cũng luôn muốn tôi nhận lại cha mình, nói chuyện và thân thiết nhau hơn. Chị tôi là người tự trọng. Tôi cố cho chị nhiều tiền nhưng chị không nhận. Chị cảm thấy thoải mái với cuộc sống trong khu ổ chuột. Từ khi tôi phất lên, chị chưa từng xin xỏ tôi bất cứ thứ gì.
Tôi thật sự buồn khi chị mất, nhưng đến lúc ấy, tôi đã quá quen với những cái chết, quá quen với những mất mát và hiểu nó là thứ ta không thể tránh khỏi. Chúng tôi tổ chức lễ tang cho chị ở Brooklyn và Cha Al Sharpton là người chủ trì tang lễ.
Chúng tôi vẫn hay mang Cha Al ra đùa cợt vì ông ấy béo phị và có mái tóc cũng quá khổ không kém. Nhưng ông là một người hùng thật sự trong cộng đồng. Chúng tôi rất tự hào về Cha Al. Nếu nhìn lại xuất thân của ông và hoàn cảnh hiện tại, sẽ thấy chặng đường ông đã đi qua là một điều kỳ diệu.
Tôi từng xem một bộ phim tài liệu do PBS làm về lịch sử Broadway. Trong phim có nhắc đến Milton Berle, một người lớn lên trong cảnh nghèo túng ở Brooklyn. Ông bảo người ta không được chọn nơi mình sinh ra, thế nên lớn lên từ khu ổ chuột không phải là thất bại. Trở về đấy mới là thất bại. Những từ ngữ ấy như nhát dao cắt sâu vào tâm hồn tôi.
Tôi đi gặp bạn bè ở Brownsville cho khuây khỏa sau khi mất chức vô địch. Và không ai làm tôi thất vọng. Chúng luôn yêu thương tôi. Thời gian này tôi hay đi lại với nhỏ bạn cũ tên Jackie Rowe. Tôi và nó vẫn hay trộm cắp cùng nhau lúc còn nhỏ. Nhà của Jackie từng là nơi cho lũ trộm thiếu niên chia chác chiến lợi phẩm. Jackie là một đứa thẳng tính. Trên thực tế, sau khi chị ruột mất thì tôi bắt đầu xem nó như chị mình.
Mặc dù tin rằng Chúa đã sắp đặt để mình lấy lại đai vô địch, tôi vẫn cảm thấy bối rối và hoài nghi bản thân nhiều sau thất bại. Thật may khi có Jackie kéo mình lên.
"Mày điên hả con chó kia," nó gào lên. "Mày biết mình là ai không? Đấy chỉ là một trận đánh thôi Mike. Thua rồi thì thôi. Đàn ông đàn ang ai ủ dột như đàn bà thế kia. Mày là số một."
"Chị nghĩ vậy à?" tôi hỏi.
"Tao đếch nghĩ vậy, mà sự thật là như vậy. Chẳng qua là mày không tập, mày không làm những thứ phải làm thôi."
"Chị nói đúng, chị nói đúng."
Tôi đến nhà Jackie và đậu chiếc xe trước căn hộ của nó, một trong những dự án nhà ở của thành phố. Tôi cứ ở trong đó, nói chuyện phiếm và Jackie sẽ đi ra ngoài mua những món tôi thích khi tôi thấy đói. Tôi hay thò đầu qua cửa sổ căn hộ của nó mà gọi đám gái dưới đường.
Chúng thường nhìn lên và ngờ ngợ:
"Không thể là Mike Tyson được. Mà sao giống thế nhỉ. Anh Mike! Anh Mike!"
Rồi đám đông kéo đến, cảnh sát phải đến giải tán và làm vành đai quanh chiếc Ferrari của tôi. Thỉnh thoảng, Jackie kéo tôi lên khu Harlem và người ở đó gần như phát điên.
"Anh vẫn là người vĩ đại nhất, nhà vô địch ạ," họ gầm lên. "Anh sẽ giành đai vô địch lần nữa."
Rõ ràng, những lời lẽ đó đã tăng thêm sức mạnh cho tôi, nó cho tôi thấy là mình vẫn còn được yêu mến, chí ít là ở những nơi chốn nhất định nào đó.