Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga trả đòn phương Tây, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi'?

Moscow chấp nhận thua thiệt trước Bắc Kinh khi nhiều doanh nghiệp Nga đối phó lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển thanh toán hợp đồng sang nhân dân tệ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu với các bộ trưởng và thành viên quốc hội trong chuyến thăm đến Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với các bộ trưởng và thành viên quốc hội trong chuyến thăm Crimea.

Phát biểu trong chuyến thăm khu vực Crimea mà Moscow sáp nhập từ Ukraina hồi đầu năm nay, ông Putin khẳng định sự độc quyền của đồng USD trong giao dịch năng lượng đang gây phương hại nền kinh tế nước này.

"Chúng ta phải hành động thận trọng. Tại thời điểm này, chúng ta đang tìm cách thống nhất với một số quốc gia thực hiện giao dịch bằng các đồng nội tệ", ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh các tổ chức tài chính của Nga bị Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt cắt đứt kênh thanh toán nước ngoài, việc nước này tìm cách thanh toán bằng đồng tiền khác càng trở nên cấp thiết.

Mới đây, các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga nhất trí giao dịch bằng đồng nội tệ. Thỏa thuận này cho phép các doanh nghiệp Nga khi giao dịch với đối tác Trung Quốc có thể tiếp cận hầu như không hạn chế đồng nhân dân tệ. Ngược lại, các công ty Trung Quốc có thể thanh toán trực tiếp bằng đồng ruble.

Khi hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD được ký kết, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng dùng nội tệ để chi trả nguyên liệu thô của Nga hoặc trừ dần số tiền thanh toán vào hàng hóa và dịch vụ xuất sang Moscow.

Như vậy, Trung Quốc được lợi rất nhiều trong bản siêu hợp đồng này. Qua Nga, Trung Quốc dần thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ vào lĩnh vực thương mại, đầu tư ở ngoài biên giới nước này. Khi đã thương mại hóa đồng nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ giảm được các chi phí giao dịch cho các nhà xuất khẩu cũng như nhập khẩu của nước này.

Thời gian qua, Trung Quốc không giấu tham vọng đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ, bên cạnh USD và EUR. Theo các chuyên gia tiền tệ, khi phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ trở nên rộng lớn trên toàn cầu, tiếng nói của Trung Quốc có trọng lượng hơn. Nói cách khác, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ trở nên mạnh mẽ hơn.

Bản thân Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, nhân dân tệ Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ 3 của Nga, song song với USD và EUR. Trước lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều doanh nghiệp Nga đã đối phó bằng cách chuyển thanh toán các hợp đồng sang nhân dân tệ và một số tiền tệ châu Á. Chẳng hạn, hãng nickel và palladium có tên Norilsk Nickel đang thảo luận về việc thanh toán các hợp đồng dài hạn bằng nhân dân tệ với đối tác Trung Quốc.

Bởi vậy, đặt mục tiêu thu tiền bán hàng bằng đồng ruble nhưng Nga lại đang làm lợi cho Trung Quốc khi chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, "đối tác chiến lược toàn diện", dường như Nga là nước nhận phần thiệt hơn.

 

4 lý do khiến Nga không đứng sau TQ về Biển Đông

Theo phân tích của tạp chí The Diplomat, có những yếu tố chiến lược và chính trị khiến Moscow không hậu thuẫn Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tra-don-phuong-tay-trung-quoc-ngu-ong-dac-loi-3052533/

Theo An Nhiên/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm