RIA Novosti dẫn lời cơ quan báo chí, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 3/4 tiêm kích đánh chặn MiG-31BM đã tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ở quân khu phía Đông, nhằm đối phó với các hoạt động quân sự gia tăng của NATO dọc theo biên giới của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, MiG-31BM không chỉ có khả năng chiến đấu với máy bay đối phương, mà còn có thể ngăn chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ở bất kỳ độ cao.
“Các máy bay đánh chặn MiG-31 đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga ở khu vực Viễn Đông, trong bối cảnh các hoạt động quân sự đang gia tăng tại khu vực này”, trích thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga.
Phi đội tiêm kích đánh chặn MiG-31BM trong cuộc tập trận ngày 3/4. Ảnh: Sputnik |
Vasily Kashin, Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Moscow, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng sự phát triển của Hạm đội Thái Bình Dương và Không quân Nga nhằm đáp ứng các hoạt động gần đây của Mỹ. Washington không chỉ mở rộng hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở châu Âu.
“Tình hình ở vùng Viễn Đông phản ánh những gì đang xảy ra ở châu Âu, nơi NATO đang tích cực củng cố sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga. Các khu vực biên giới phía đông và phía tây của Nga đều phải đối mặt với mối đe dọa tương tự”, ông Kashin nói.
Ông mô tả MiG-31 là máy bay được giao nhiệm vụ đánh chặn máy bay đối phương và tên lửa hành trình tầm xa. Ông Kashin nhấn mạnh rằng chỉ có Mỹ mới có thể sử dụng cả máy bay và tên lửa để chống lại Nga ở khu vực Thái Bình Dương, các nước khác ít có cơ hội làm như vậy.
Vị trí quân khu phía Đông (màu đỏ). Đồ họa: Easternorbat
|
Vị chuyên gia cho rằng, một cuộc xung đột nếu có giữa Nga và Mỹ ở châu Âu có thể nhanh chóng dẫn đến sự leo thang vượt xa kế hoạch của Washington. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, xung đột giữa Mỹ và Nga ở vùng Viễn Đông là điều không thể xảy ra, tuy nhiên, các tướng Mỹ đang xem xét khả năng đối phó Nga trong khu vực này, điều này có nghĩa Moscow phải lần lượt đưa ra các biện pháp đáp trả”, ông Kashin nói.
Kể từ đầu năm, sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng đáng kể. Ngày 18/2, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến vào Biển Đông. Sau đó tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc mà Lầu Năm Góc tuyên bố nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Về phía Moscow đã tăng đáng kể các cuộc tập trận ở khu vực Primorye, Viễn Đông và tăng cường triển khai vũ khí đến khu vực này. Cụ thể Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P trên bán đảo Kamchatka nhằm bảo vệ căn cứ tàu ngầm ở đây.