"Mặt trăng là mục tiêu vũ trụ cho hoạt động thám hiểm tương lai của nền văn minh trái đất và một sự cạnh tranh về địa-chính trị đối với các nguồn khoáng sản của mặt trăng có thể bắt đầu trong thế kỷ 21" tờ nhật báo Izvestia trích báo cáo về một chương trình chinh phục mặt trăng tiềm năng do Học viện Khoa học tự nhiên Nga, cơ quan Roscosmos và Đại học quốc gia Moskva hợp tác thực hiện.
Nga sẽ đưa người lên Mặt Trăng. Ảnh: Getty. |
Chương trình nhắm tới mục tiêu xây dựng một căn cứ có người ở trên Mặt Trăng, nơi sẽ đóng vai trò nền tảng phục vụ các hoạt động thử nghiệm, vào giữa thế kỷ này. Ngoài ra căn cứ còn giúp khai thác khoáng sản trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất này.
Dự án kêu gọi việc phát triển nhiều công nghệ vũ trụ tầm xa, nhằm đảm bảo đất nước có thể chinh phục mặt trăng độc lập, không cần nhờ đối tác nước ngoài. Các đề xuất trước đó đều hướng tới việc hợp tác quốc tế mạnh, bởi người ta tin rằng không một quốc gia nào có thể một mình triển khai các dự án liên hành tinh quy mô.
Nga có kế hoạch triển khai nhiều dự án về mặt trăng riêng biệt trong 16 năm tới. Mỗi dự án kéo dài từ 3-4 năm.
4 dự án đầu tiên sẽ khởi động trong giai đoạn từ 2016 - 2025, tập trung việc xác định nền đất, cấu trúc hóa chất của nam cực mặt trăng, nơi căn cứ sẽ được xây dựng.
Các chuyến đi tới mặt trăng và trở về sẽ bắt đầu từ năm 2028 - 2030. Cuối cùng hoạt động sống trên mặt trăng sẽ bắt đầu trong khoảng năm 2030 - 2040.
Các cuộc thám hiểm mặt trăng trước đó, bắt đầu với chương trình Luna của Liên Xô trong năm 1959 và việc Mỹ đưa người lên mặt trăng 10 năm sau đó, đã phát hiện thấy nhôm, sắt, titanium, đất hiếm và các khoáng sản khác.