Nga đang tưởng nhớ di sản không gian của Liên Xô bằng cách thực hiện một chuỗi sứ mệnh mới, đưa các phi hành gia của Nga quay trở lại Mặt Trăng.
Sứ mệnh đầu tiên mang tên Luna 25 dự kiến khởi hành vào tháng 10 năm nay cùng chuyến đi đầu tiên đến nam cực (trên Mặt Trăng), nơi các nhà khoa học Nga sẽ nghiên cứu về mạch nước nằm dưới lớp băng dày.
"Trong thập kỷ tiếp theo, Mặt Trăng sẽ là tâm điểm trong chương trình của chúng tôi", ông Lev Zelenyi, cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu Không gian Liên bang Nga cho biết trong buổi thuyết trình online do Học viện Khoa học Quốc gia tổ chức vào ngày 23/3.
Con tàu Luna 25 trong quá trình lắp ráp và thử nghiệm trước khi phóng lên Mặt Trăng. Ảnh: Roscosmos. |
Nhiều công ty ở Nga đã bắt đầu phác thảo các chương trình thám hiểm Mặt Trăng. Trong khi đó, Mỹ đang hướng đến mục tiêu thăm dò con người với chương trình Artemis, kết hợp với người máy thực hiện sứ mệnh trên Mặt Trăng.
Tháng 12, Trung Quốc đã vận chuyển mẫu đất mới đầu tiên trên Mặt Trăng về Trái Đất trong một loạt các sứ mệnh đang tiếp diễn với tên gọi Trường An. Ấn Độ và Israel hứa hẹn sẽ phóng con tàu tiếp theo lên mặt trăng sau hai lần hạ cánh thành công vào năm 2019 (tàu Chandrayaan-2 và Beresheet).
Tuy nhiên, chỉ Mỹ mới có thể sánh ngang với di sản không gian trên Mặt Trăng của Nga. Chính quyền Putin đang quay trở lại đường đua không gian bằng cách tiếp tục loạt sứ mệnh mang tên Luna, nối tiếp số đuôi từ con tàu Luna 24 mà họ đã dừng lại vào năm 1976.
"Chúng tôi muốn thể hiện sự kiên định của mình", ông Zelenyi cho biết.
Theo Space, con tàu Luna 25 được thiết kế để nghiên cứu lớp băng vĩnh viễn nằm dưới bề mặt Mặt Trăng. Các nhà thám hiểm hy vọng sẽ khai thác chúng như một nguồn tài nguyên và đánh giá mức độ nguy hiểm do những mảnh bụi trăng sắc nhọn gây ra.
Khi tiếp đất, con tàu sẽ dùng camera do châu Âu chế tạo để nâng cao các sứ mệnh lên Mặt Trăng trong tương lai của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Ông Zelenyi nhấn mạnh, Luna 25 mới chỉ là sự khởi đầu, cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng gồm tổng cộng 5 sứ mệnh với nhiều giai đoạn đang được lên kế hoạch.
Chiếc xe rover Lunokhod-1 đầu tiên hoạt động trên hành tinh khác. Ảnh: Wikipedia. |
Năm 2023 hoặc 2024, Nga kế hoạch phóng tên lửa Luna 26, lần này là một con tàu quỹ đạo tìm kiếm các dị thường từ trường và hấp dẫn trên Mặt Trăng và chụp lại các hình ảnh có độ chính xác cao về các địa điểm hạ cánh có tiềm năng.
Tiếp theo, vào năm 2025, cùng với con tàu Luna 27, Nga sẽ tiếp tục quay trở lại Mặt Trăng. Theo ông Zelenyi, đây là lần quan trọng nhất. Như con tàu đổ bộ trong năm nay, Luna 27 sẽ nhắm mục tiêu vào nam cực và mang theo phần mềm hạ cánh của châu Âu.
Ngoài ra, Luna 27 sẽ được robot của Cơ quan Vũ trụ châu Âu hỗ trợ, bao gồm một máy khoan thu thập đá trên Mặt Trăng ở nam cực mà không làm tan chảy các hợp chất như băng nước được tìm thấy trong vật liệu.
Con tàu đổ bộ cũng sẽ mang một bộ công cụ được thiết kế để nghiên cứu về gió mặt trời (solar wind). Gió mặt trời là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của mặt trời và đi ngang qua hệ mặt trời, tác động đến bề Mặt Trăng.
Hai sứ mệnh cuối cùng trong chuỗi sứ mệnh Luna được ông Zelenyi cho biết vẫn chưa định ngày phóng. Tuy nhiên, con tàu Luna 28, hay được biết đến là Luna-Grunt, sẽ được chế tạo trực tiếp ngay trên con tàu trước nó để mang về Trái Đất các mẫu được lưu trữ đông lạnh lấy từ cực nam Mặt Trăng. Việc làm đông lạnh các vật mẫu giúp giữ lại nước và các hợp chất dễ bay hơi khác.
"Các vật mẫu sẽ được đưa về, nhưng khác với những vật mẫu được đưa về trái đất trước đó", ông Zelenyi nói.
Theo ông, vật mẫu sẽ không chỉ là lớp đất mặt (trên Mặt Trăng) mà là tất cả các chất bay hơi và tạp chất đông lạnh. Đây là sự thách thức về mặt kỹ thuật.
Cuối cùng, sứ mệnh Luna 29 sẽ chở theo chiếc xe rover Lunokhod mới, tiếp tục nhập làn với các sứ mệnh của Liên Xô. Năm 1970, Lunokhod-1 là chiếc rover đầu tiên đã thành công hoạt động trên một hành tinh khác. Chiếc xe đã dành 10 tháng để khám phá khu vực được mệnh danh là Mare Imbrium hay Biển Mưa.