Lãnh đạo Nga và Nhật Bản dự kiến gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 22/1, giữa lúc hai bên tranh cãi gay gắt về một quần đảo mà hai bên đã tranh chấp từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Căng thẳng leo thang
Căng thẳng giữa Tokyo và Moscow nóng lên trong những tuần qua xung quanh một nhóm đảo mà Nga gọi là quần đảo Kuril còn Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc. Nga cáo buộc Nhật không chấp nhận thất bại trong Thế chiến 2 và cố ý gây căng thẳng ngay trước cuộc gặp cấp cao.
Nói về cuộc gặp dự kiến diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trợ lý chính sách đối ngoại của ông Putin là Yuri Ushakov thừa nhận chương trình nghị sự sẽ "không dễ dàng".
Quân đội Liên Xô chiếm đóng 4 đảo thuộc quần đảo nói trên trong những ngày cuối cùng của Thế chiến 2. Từ đó tới nay, vấn đề chủ quyền quần đảo đã ngăn cản Nhật Bản và Liên Xô, sau này là Nga, ký hiệp định hòa bình chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh.
Quần đảo Kuril (theo cách gọi của Nga) là đối tượng tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Đồ họa: Sputnik. |
Trong thông điệp quốc gia đầu năm mới 2019, Thủ tướng Abe đã có bài phát biểu khiến Moscow nổi giận khi tuyên bố cần giúp các cư dân Nga tại quần đảo "hiểu và chấp nhận rằng chủ quyền với các đảo sẽ sớm thay đổi".
Nga sau đó đã triệu tập đại sứ Nhật, chỉ trích bài phát biểu của Thủ tướng Abe là "âm mưu khuấy động không khí" trước viễn cảnh hai nước có thể đạt được một hiệp ước hòa bình.
Moscow đồng thời chỉ trích Tokyo đang làm méo mó nhận thức của công chúng, khiến dư luận hiểu sai về những thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tại Singapore tháng 11/2018.
Vì những căng thẳng vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hôm 14/1 đã có nhiều giờ đồng hồ thảo luận, song không thể cải thiện được tình hình. Hai ông thậm chí không cùng xuất hiện trong cuộc họp báo chung sau hội đàm.
Trong cuộc họp báo đầu tiên của năm 2019, Ngoại trưởng Lavrov thậm chí còn đưa ra tuyên bố có thể làm phật lòng Tokyo, cho biết Nga và Nhật "còn xa mới trở thành đối tác trong quan hệ quốc tế".
"Tại sao Nhật Bản lại là quốc gia duy nhất không thể hoàn toàn chấp nhận thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai?", ông Lavrov phát biểu.
Ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích thái độ thân phương Tây của Nhật tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc.
"Nhật Bản luôn bỏ phiếu chống lại lợi ích của Nga trong tất cả các nghị quyết ở Liên Hợp Quốc", ông nói.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP. |
Nga sẽ không đàm phán
Nói về cuộc hội đàm dự kiến diễn ra ngày 22/1, ông Ushakov khẳng định chủ quyền của Nga đối với các đảo thuộc quần đảo Kuril không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán.
"Nga sở hữu quần đảo này hợp pháp theo kết quả của Chiến tranh thế giới 2. Đây là đất đai của chúng tôi, chẳng ai có ý định giao chúng cho người khác", ông Ushakov tuyên bố.
Trên thực địa, Nga gần đây đã có những hành động liên tiếp để củng cố sức mạnh và sự chiếm đóng đối với quần đảo. Tháng 12/2018, Nga xây mới 4 doanh trại quân sự, đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng và xã hội tại các đảo thuộc quần đảo.
Theo AFP, Moscow đã triển khai nhiều hệ thống tên lửa tại quần đảo. Động thái này đã tạo ra làn sóng phản đối giận dữ trong công chúng cũng như chính phủ Nhật Bản.
James Brown, chuyên gia về quan hệ Nga - Nhật tại Đại học Tokyo, nhận định triển vọng cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin sẽ "không mấy hứa hẹn", dẫu nhiều khả năng ông Putin sẽ có những thông điệp ôn hòa hơn các cấp dưới.
Binh sĩ Nga tập trận tại quần đảo Kuril. Ảnh: RT. |
"Nếu Nhật Bản cũng hạ giọng, họ sẽ chẳng có cơ sở nào đối với các yêu sách chủ quyền (đối với quần đảo tranh chấp). Vì thế, khoảng cách giữa hai bên sẽ lớn hơn bao giờ hết", ông Brown nhận định. Chuyên gia cho rằng rất khó để Tokyo và Moscow có thể đi đến một thỏa thuận trong cuộc gặp ngày 22/1.
Từ Moscow, các chuyên gia nhận định lập trường của Nga đã cứng rắn hơn đáng kể do bất mãn trong dư luận xã hội tăng cao liên quan tới cải cách lương hưu và giá thực phẩm leo thang.
"Việc từ bỏ chủ quyền đối với dù chỉ một phần nhỏ lãnh thổ là việc rất hiếm hoi đối với mọi quốc gia, với Nga nó còn đặc biệt khó hơn bởi các vấn đề đối nội", nhà phân tích Fyodor Lukyanov nhận xét.